Liên hợp quốc tổ chức hội nghị lần thứ 5 về các nước kém phát triển nhất

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 07/03/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Hiện có 46 nước nằm trong danh sách các nước kém phát triển của Liên hợp quốc, trong đó phần lớn nằm ở khu vực châu Phi.

Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 5 về các nước kém phát triển nhất (LDC) đang diễn ra tại Doha, Qatar. Danh sách LDC bao gồm các quốc gia đang phát triển mà theo Liên hợp quốc, có chỉ số phát triển kinh tế xã hội, cũng như chỉ số phát triển con người thấp nhất trong tất cả các quốc gia trên thế giới.

Một quốc gia được đưa vào danh sách này dựa trên các tiêu chí như:

- Thu nhập quốc gia bình quân đầu người (GNI) dưới 1.018 USD mỗi năm.

- Yếu kém về nguồn nhân lực (dựa trên các chỉ số về dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục và khả năng đọc viết của người lớn).

- Tính dễ bị tổn thương về kinh tế và môi trường (dựa trên các yếu tố như địa hình xa xôi, hiểm trở; mức độ phụ thuộc vào nông nghiệp; khả năng hứng chịu thiên tai).

Các tiêu chí này được xem xét 3 năm một lần bởi Ủy ban Chính sách Phát triển của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). Các quốc gia có thể ra khỏi danh sách LDC khi các chỉ số vượt qua các tiêu chí này trong hai lần đánh giá ba năm liên tiếp.

Liên hợp quốc tổ chức hội nghị lần thứ 5 về các nước kém phát triển nhất - Ảnh 1.

Thách thức với các nước kém phát triển

Hiện có 46 nước nằm trong danh sách các nước kém phát triển của LHQ, trong đó phần lớn nằm ở khu vực châu Phi. Tổng dân số của các nước LDC là 1,1 tỷ người, chiếm tới 14% dân số thế giới, thế nhưng các nước này lại chỉ chiếm 1,3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Những nước này cũng chỉ nhận được 1,4% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài và chiếm dưới 1% xuất khẩu hàng hóa thế giới.

Các nước kém phát triển dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế bên ngoài, thảm họa tự nhiên, các dịch bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là biến đổi khí hậu. Tình trạng nợ nần cũng là vấn đề lớn đối với các nước LDC. Bốn nước LDC trong tình trạng vỡ nợ, 16 nước LDC có nguy cơ vỡ nợ cao.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres: "Hiện có 25 nền kinh tế đang phát triển đang phải chi hơn 20% doanh thu của chính phủ không phải để xây dựng trường học, không phải để nuôi sống người dân, không phải để mở rộng cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái - mà chỉ để trả nợ. Và một hệ thống tài chính toàn cầu bất công và rối loạn sâu sắc đang trao cho các nước kém phát triển nhất những thỏa thuận nghèo nàn nhất. Các nước kém phát triển nhất phải đối mặt với lãi suất cao gấp 8 lần so với các nước phát triển và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn".

Các nước LDC có thể trông đợi những giải pháp cụ thể nào tại Hội nghị Doha?

Danh sách LDC được thiết lập từ hơn 50 năm trước nhằm mang lại cho các nước kém phát triển đặc quyền thương mại và hỗ trợ tài chính, giúp họ ra khỏi danh sách này. Nhưng đến nay, mới chỉ có 6 quốc gia thoát khỏi tình trạng LDC.

Liên hợp quốc tổ chức hội nghị lần thứ 5 về các nước kém phát triển nhất - Ảnh 2.

Hội nghị các nước kém phát triển của LHQ lần thứ 5 đang diễn ra tại Doha, Qatar, thể hiện nỗ lực của LHQ nhằm đảo ngược tình trạng ngày càng bị gạt ra bên lề nền kinh tế toàn cầu của các nước LDC, cũng như đưa họ đi đúng hướng trên con đường tăng trưởng và phát triển bền vững.

Những gì được người ta nói trước hội nghị lần này, thì đây là lúc thế giới cần phải mở ra một thời khắc Bretton Woods mới, hay cũng có thể gọi là một thời khắc Bretton Woods 2.0. Như người ta đã biết, Bretton Woods là một hội nghị lịch sử năm 1944, đây là hội nghị đã đặt nền móng cho thế giới định hình nên hai định chế tài chính quan trọng hàng đầu là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Nếu Hội nghị Bretton Woods trước đây đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết và phát triển một thế giới hậu chiến tranh thế giới, thì một thời khắc Bretton Woods 2.0, như người ta đang nói đến, được kỳ vọng sẽ giúp sửa đổi những bất cập trong quá trình phát triển của thế giới hậu khủng hoảng.

Tại sao đây là một thời khắc quan trọng? Đó là bởi chưa bao giờ thế giới lại học được những bài học như 2, 3 năm qua. Một đại dịch COVID đã khiến cho nhân loại thấm thía hơn bao giờ hết một chân lý, sẽ không có quốc gia nào an toàn nếu như tất cả thế giới cùng an toàn. Bài toán môi trường, dịch bệnh, người tị nạn... tất cả đều là những vấn đề đó dù xảy ra ở những quốc gia kém phát triển hay ở đâu đi chăng nữa thì cũng đều là mối nguy cơ tiềm tàng với cả thế giới.

Liên hợp quốc tổ chức hội nghị lần thứ 5 về các nước kém phát triển nhất - Ảnh 3.

Những gì mà người ta hướng đến trong hệ thống Bretton Woods 2.0 sẽ là phải cải cách cơ chế tài trợ cho các nước kém phát triển. Ngoài ra, việc cải cách hệ thống thương mại đa phương, tạo thuận lợi hơn cho các nước kém phát triển đối với các rào cản thương mại hay một số ưu đãi đặc biệt trong thương mại cũng được cho là rất cần thiết lúc này.

Thế giới cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa vào các quốc gia kém phát triển nhất

Gần 5.000 đại diện của các chính phủ, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, đại diện của thanh niên... tụ hội tại Doha trong 5 ngày diễn ra Hội nghị cùng chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm cũng như đưa ra những cam kết hỗ trợ và hợp tác để hướng tới sự phát triển bền vững của các nước LDC.

Các chuyên gia nhận định đại dịch COVID-19 đã làm thụt lùi ít nhất 1 thập kỷ những nỗ lực phát triển của các nước LCD, đặc biệt là việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 của các nước này.

Nếu muốn đảo ngược tình trạng này và đảm bảo rằng các nước LCD có thể quay trở lại quỹ đạo phát triển, đặc biệt là trong thập kỷ hành động cuối cùng này, thế giới cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa vào các quốc gia kém phát triển nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước