Có một thực tế trớ trêu là không chỉ Nga hay các nước phương Tây đang trả giá cho các biện pháp trừng phạt lẫn nhau, mà chính các nước nghèo. Không có nguồn lực chống đỡ, các nước nghèo đang đối mặt với khó khăn không lối thoát.
Người dân Kenya đang phải trải qua những ngày thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng, hàng giờ xếp hàng chờ đợi tại các trạm xăng đang dần trở nên cạn kiệt.
Ông Melvin Otieno - Người dân Kenya cho biết: "Tôi là người chạy xe dịch vụ, một số chạy xe để trả nợ, một số nuôi sống gia đình từ công việc này. Thế nhưng chúng tôi đã ở đây ba ngày rồi mà vẫn chưa mua được gì".
Giá tăng mà xăng vẫn thiếu là tình trạng tương tự ở nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Đại diện Công ty Nuli Juice, Nigeria chia sẻ: "Dầu Diesel cấu thành một phần rất lớn trong chi phí hoạt động của chúng tôi, bây giờ giá dầu đã tăng hơn gấp ba lần, trong khi điện lưới quốc gia không ổn định trong một thời gian rất dài nên chúng tôi buộc phải sử dụng diesel. Đây không phải là thời điểm tốt cho các doanh nghiệp".
Ông Ariel Juarez - Đại diện Liên đoàn vận tải Argentina nói: "Với chi phí xăng dầu tăng cao, chúng tôi buộc phải dừng lại, chúng tôi không thể làm việc nữa. Chúng tôi không thể đủ khả năng chi trả cho tất cả các chi phí liên quan đến vận chuyển".
Những nước thu nhập trung bình và thấp thường phụ thuộc nhiều vào dầu và khí nhập khẩu. Đối với các nước này, giá dầu thế giới tăng sẽ kéo theo một loạt hệ quả. Đầu tiên các nước này ngay lập tức phải đối mặt với một hóa đơn nhập khẩu lớn hơn. Để khôi phục lại trạng thái cân bằng cán cân thanh toán, các nước buộc phải giảm tổng cầu đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu. Điều này thể hiện bằng việc giảm cầu trong nước (cả tiêu dùng và đầu tư), dẫn đến giảm nhập khẩu và giảm sản xuất trong nước. Những hệ quả đó càng khiến đất nước chìm sâu vào khủng hoảng.
Theo Ngân hàng Thế giới, giá dầu tăng 20 USD sẽ làm giảm GDP của các nước đang phát triển khoảng 0,2-0,4%, thậm chí những nước nghèo nhất có thể mất tới 4% GDP.
Ngoài ra, giá dầu và khí đốt tự nhiên cũng có mối liên hệ chặt chẽ với giá lương thực. Lịch sử cho thấy khủng hoảng trong lĩnh vực này sẽ dẫn tới khủng hoảng ở các lĩnh vực còn lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!