Hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga thông qua tuyến đường ống chạy qua Ukraine đến châu Âu đã bị dừng lại vào sáng sớm ngày đầu Năm mới 2025 do thỏa thuận trung chuyển hết hạn, trong khi Moscow và Kiev vẫn chưa đạt được thỏa thuận để gia hạn thỏa thuận này. Ukraine đã từ chối gia hạn thỏa thuận cho phép trung chuyển khí đốt từ Nga sang các nước châu Âu.
Khí đốt từ Nga, mới chỉ cách đây 3 năm, đã từng chiếm khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của Liên minh châu Âu.
Các đường ống dẫn khí đốt xuyên qua lãnh thổ Ukraine đã bị ngắt hoàn toàn từ sáng hôm qua. Trong những năm trước, các tuyến dẫn khí đốt của Nga tới châu Âu xuyên qua lãnh thổ Belarus, và tuyến Dòng chảy phương Bắc dưới đáy biển Baltic, cũng đã ngừng hoạt động.
Một số nước Đông Âu trước đây vẫn nhập khẩu nhiều khí đốt từ Nga, bao gồm Áo, Hungary và Slovakia, cho biết đã tìm được nguồn cung thay thế, mặc dù phải thêm chi phí cho quá trình chuyển đổi. Riêng Hungary vẫn tiếp tục mua khí đốt từ Nga thông qua đường ống chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu đã khẳng định, cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu có đủ giải pháp linh hoạt để có thể cung cấp khí đốt không có nguồn gốc từ Nga cho các nước Trung Âu và Đông Âu.
Hậu quả của việc ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine bao gồm Ukraine hụt thu 800 triệu USD mỗi năm từ phí cho thuê đường truyền, và Nga mất gần 5 tỷ USD doanh thu mỗi năm từ việc bán khí đốt cho châu Âu. Sự kiện đã không tác động tới giá khí đốt trên thị trường nguyên liệu, kể cả khi thời kỳ lạnh nhất trong năm vừa mới bắt đầu.
Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, EU đã tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Theo số liệu EC công bố, khí đốt Nga chỉ còn chiếm khoảng 8% tổng lượng nhập khẩu của khối vào năm 2023, giảm mạnh so với hơn 40% hồi năm 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!