Đây sẽ là loại thuế đầu tiên trên thế giới, dù kế hoạch chi tiết sẽ cần được hoàn thiện trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Theo kế hoạch, từ năm 2026, EU sẽ áp thuế phát thải khí CO2 đối với các mặt hàng nhập khẩu gây ô nhiễm, ví dụ như thép, xi măng, phân bón, nhôm và điện. Công nghệ bây giờ đã cho phép xác định khá chính xác, sản xuất ra một sản phẩm sẽ thải ra bao nhiêu lượng CO2. Các sản phẩm nhập khẩu sẽ phải mua giấy phép ô nhiễm từ hệ thống thương mại khí thải của EU căn cứ vào lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất.
Chính sách xuyên biên giới sẽ tạo sân chơi bình đẳng khi áp cùng mức thuế phát thải CO2 đối với các công ty trong và ngoài EU. Việc châu Âu áp thuế carbon sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài phải chủ động cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm lượng khí thải. Cơ chế thuế phát thải sẽ là một nguồn thu mới cho ngân sách châu Âu, ước tính từ 5-14 tỷ Euro mỗi năm.
Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Chúng tôi đã chọn định giá carbon như một công cụ rõ ràng và có sự đền bù xã hội. Nguyên tắc rất đơn giản: phát thải CO2 phải có giá. Giá của CO2 khuyến khích người tiêu dùng, nhà sản xuất lựa chọn công nghệ sạch để hướng tới các sản phẩm sạch và bền vững".
Do giai đoạn thử nghiệm áp khoản thuế trên bắt đầu từ năm 2023, các nước EU và Nghị viện châu Âu đang gấp rút đàm phán để thông qua các quy định trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!