Biến thể mới "siêu đột biến" của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào?

Thanh Hiệp (Nguồn: CNBC, The Guardian, Reuters, Indianexpress, Aljazeera)-Thứ sáu, ngày 26/11/2021 17:56 GMT+7

VTV.vn - Giới chuyên gia y tế toàn cầu đang đặc biệt lo ngại về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, với khả năng lây nhiễm rất cao, và khả năng "lẩn tránh" miễn dịch.

Nam Phi phát hiện biến thể virus SARS-CoV-2 "tồi tệ nhất"

Ngày 25/11, các nhà khoa học Nam Phi cho biết đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi B.1.1.529, được mô tả là biến thể "tồi tệ nhất" mà họ từng chứng kiến. Đây là biến thể "siêu đột biến" với 32 đột biến, có thể dẫn tới sự tăng vọt số ca lây nhiễm.

"Thật không may khi chúng tôi đã phát hiện ra một biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Biến thể này khiến số ca lây nhiễm bùng phát trở lại," nhà virus học Tulio de Oliveira phát biểu trong cuộc họp báo khẩn hôm 25/11.

Biến thể mới siêu đột biến của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Biến thể mới virus SARS-CoV-2 có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Nam Phi (Nguồn: Reuters)

Theo ông Tulio de Oliveira, khi nghiên cứu biến thể B.1.1.529, bên cạnh các đột biến có thể làm cho virus dễ lây lan hơn, các nhà khoa học Nam Phi đã phát hiện 32 đột biến ở protein gai - phần để virus liên kết với các tế bào trong cơ thể. Số lượng đột biến cao hơn trong protein gai có thể thay đổi hình dạng của virus và đồng nghĩa với việc vaccine và các phương pháp điều trị sẽ có nguy cơ không đạt hiệu quả chống virus.

Để so sánh, cần biết rằng, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, và là biến thể phổ biến nhất trên toàn thế giới, chỉ có 11 - 15 đột biến trong protein gai và một số đột biến giúp virus tránh được phản ứng miễn dịch.

Các đột biến khác trong biến thể mới cho đến nay vẫn chưa được phát hiện, vì vậy các nhà khoa học vẫn chưa thể kết luận liệu virus có thay đổi đáng kể cách thức hoạt động hay không.

Những kết quả nghiên cứu ban đầu từ các phòng thí nghiệm chẩn đoán ở Nam Phi cho thấy, biến thể mới đã gia tăng nhanh chóng trong các ca mắc COVID-19 ở tỉnh Gauteng - tỉnh đông dân nhất Nam Phi. Đây là khu vực có thủ đô Pretoria và thành phố lớn nhất cả nước - Johannesburg. Các nhà khoa học cho rằng có tới 90% các ca nhiễm COVID-19 mới ở Gauteng có thể là do biến thể B.1.1.529 và tình trạng này được dự báo sẽ sớm lan sang các tỉnh khác trong cả nước.

Biến thể mới siêu đột biến của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 2.

Theo nhà virus học Tulio de Oliveira, 90% các ca nhiễm COVID-19 mới ở Gauteng có thể do biến thể B.1.1.529

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cũng xác nhận, biến thể mới đang đặt ra "mối quan ngại nghiêm trọng" và có thể là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng "theo cấp số nhân" số ca mắc COVID-19 tại nước này. Trong ngày 24/11, Nam Phi đã ghi nhận trên 1.200 ca mắc mới COVID-19, gấp 12 lần so với mức khoảng 100 ca/ngày được ghi nhận hồi đầu tháng này. Nam Phi hiện cũng là ổ dịch lớn nhất ở châu Phi với khoảng 2,95 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó 89.657 người đã tử vong.

"Điều nghiêm trọng là ở chỗ dịch bệnh đang gia tăng mạnh tại Gauteng, nơi người dân di chuyển tới khắp nơi trên cả nước. Vì vậy, rõ ràng là trong vài ngày tới, số ca lây nhiễm sẽ tăng mạnh. Đó chỉ là vấn đề thời gian, hàng tuần, hoặc hàng ngày" - Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cho biết hiện vẫn còn quá sớm để chính phủ quyết định áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn nhằm phòng chống dịch.

Biến thể mới siêu đột biến của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 3.

Giới chức Nam Phi lo ngại tình trạng lây nhiễm COVID-19 bởi biến thể mới (Nguồn: Reuters)

Giới chức Nam Phi cũng xác nhận, biến thể B.1.1.529 đã được phát hiện ở Botswana và Hong Kong (Trung Quốc), trong số những người đến từ Nam Phi.

Năm ngoái, Nam Phi là quốc gia đầu tiên phát hiện ra biến thể Beta. Đây là 1 trong 4 biến thể được WHO liệt vào danh sách "đáng quan tâm", bởi có bằng chứng cho thấy Beta dễ lây lan hơn và các loại vaccine hoạt động kém hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn biến thể này. Hồi đầu năm nay, Nam Phi cũng phát hiện thêm 1 biến thể khác của virus SARS-CoV-2 là C.1.2. nhưng biến thể này đã bị lấn át bởi biến thể Delta và chỉ chiếm 1 tỷ lệ nhỏ trong số các bộ gen được giải trình tự trong những tháng gần đây.

Giới chức WHO quan ngại

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang "giám sát chặt chẽ" biến thể được báo cáo và đã triệu tập một cuộc họp kỹ thuật trong ngày hôm nay để thảo luận về tác động của biến thể này tới vaccine COVID-19 và phương pháp điều trị.

"Chúng tôi chưa biết nhiều về biến thể này. Những gì chúng tôi biết là biến thể này có một số lượng lớn các đột biến. Và mối quan ngại là khi có quá nhiều đột biến, nó có thể tác động tới cách thức hoạt động của virus" - Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm chuyên môn của WHO về COVID-19, cho biết.

Việc theo dõi biến thể SARS-CoV-2 mới được triển khai trong bối cảnh số ca COVID-19 trên khắp thế giới gia tăng khi nhiều nước bước vào thời gian nghỉ lễ. WHO đã báo cáo các điểm nóng ở tất cả các khu vực, đặc biệt là ở châu Âu.

Biến thể mới siêu đột biến của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 4.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm chuyên môn của WHO về COVID-19 (Nguồn: CNBC)

"Hiện, các nhà nghiên cứu đang cùng nhau tìm hiểu vị trí của những đột biến này trong protein gai và vị trí phân tách furin, cũng như điều đó có thể có ý nghĩa gì với chẩn đoán hoặc điều trị và vaccine" - bà Van Kerkhove nói, đồng thời cho biết, hiện chỉ có chưa đầy 100 trình tự bộ gene đầy đủ của biến thể mới.

Nhóm làm việc về quá trình tiến hóa của virus sẽ quyết định xem B.1.1.529 có trở thành một biến thể "đáng lo ngại" hay chỉ dừng lại ở biến thể "đáng quan tâm", sau đó WHO sẽ đặt cho biến thể này một cái tên Hy Lạp, bà Van Kerkhove cho biết thêm.

Báo động từ các chuyên gia dịch tễ học

Trong khi đó, giới chuyên gia khoa học đã bày tỏ lo ngại trước những dấu hiệu cho thấy, khả năng lây lan của biến thể mới là "rất nhanh", thậm chí là nhanh hơn so với biến thể Delta hiện đang lây lan khắp thế giới.

Tiến sĩ Tom Peacock, nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London lưu ý, số lượng đột biến cực kỳ cao có thể là "mối quan ngại thực sự" và có những tổ hợp đột biến mà ông chưa từng thấy trước đây trong một biến thể duy nhất của virus gây COVID-19. Theo ông, việc biến thể lây lan sang châu Á với ca nhiễm được phát hiện ở Hong Kong (Trung Quốc) có thể chỉ ra rằng, biến thể này có khả năng lây lan rộng hơn những gì mà kết quả giải trình tự gene đã chỉ ra.

Biến thể mới siêu đột biến của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 5.

Giới chuyên gia lo ngại khả năng lây lan của biến thể mới là "rất nhanh" (Nguồn: The Guardian)

Giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền Đại học London, cho biết, số lượng lớn các đột biến xuất hiện trong một đợt bùng phát đơn nhất cho thấy biến thể phát triển từ một bệnh lây nhiễm mãn tính ở một người bệnh đã bị suy giảm hệ thống miễn dịch, nhiều khả năng là một bệnh nhân HIV/AIDS chưa được điều trị.

Chia sẻ trên Twitter hôm 24/11, Ravi Gupta, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge cũng cho rằng, biến thể B.1.1.529 là "đáng lo ngại và tôi chưa từng đưa ra nhận định này kể từ sau biến thể Delta". "Hãy tiêm phòng, tiêm chủng và đeo khẩu trang nơi công cộng vì các đột biến ở loại virus này có thể dẫn đến mức độ thoát khỏi các kháng thể trung hòa cao" - ông Gupta lưu ý.

Biến thể mới siêu đột biến của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 6.

Chuyên gia Ravi Gupta nhận định, biến thể mới là "rất đáng lo ngại" (Nguồn: Twitter)

Biến thể mới siêu đột biến của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 7.

Vaccine ngừa COVID-19 vẫn là "công cụ quan trọng" để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng (Nguồn: Reuters)

Chia sẻ quan điểm trên, nhà virus học Tulio de Oliveira tại Nam Phi nhận định, vaccine COVID-19 vẫn là một "công cụ quan trọng" để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng.

Nhiều quốc gia cảnh giác với biến thể mới B.1.1.529

Ngay sau khi thông tin về biến thể mới được công bố, Anh đã gấp rút áp lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi và 5 nước châu Phi khác. Cụ thể, Anh đã tạm thời cấm các chuyến bay từ Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini từ 0h ngày 26/11. Công dân Anh trở về từ những quốc gia này sẽ phải tiến hành cách ly. Đây được xem là hành động nhanh chóng của Chính phủ Anh so với những lần xuất hiện các biến thể COVID-19 trước đó.

Đề cập đến sự nguy hiểm của biến thể mới, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết: "Biến thể mới có lượng đột biến đáng kể, có lẽ gấp đôi lượng đột biến mà chúng tôi đã thấy ở biến thể Delta. Điều đó cho thấy nó có thể lây nhiễm nhiều hơn, khiến các loại vaccine hiện tại kém hiệu quả hơn".

Biến thể mới siêu đột biến của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 8.

Các quốc gia như Anh, Israel đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại với nhiều quốc gia châu Phi (Nguồn: Forbes)

Cùng ngày, Israel cũng thông báo đưa một loạt quốc gia ở miền Nam châu Phi vào diện "cảnh báo đỏ" liên quan đến dịch bệnh COVID-19, bao gồm Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini. Theo đó, những người nước ngoài đến từ 7 quốc gia này sẽ không được phép nhập cảnh vào Israel trong khi người dân Israel trở về từ 7 quốc gia châu Phi trên sẽ tạm trú tại cơ sở cách ly được chỉ định trong vòng 7 ngày, ngay cả khi đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Những người này sẽ được về nhà sau khi có kết quả 2 lần xét nghiệm PCR âm tính. Những người từ chối xét nghiệm sẽ phải cách ly trong vòng 12 ngày.

Tại châu Á, chính phủ Ấn Độ ngày 25/11 cũng đã đưa ra khuyến cáo với các địa phương trong cả nước cần cảnh giác với biến thể mới. Bộ Y tế Ấn Độ, đã yêu cầu các bang và vùng lãnh thổ liên bang tiến hành sàng lọc và kiểm tra nghiêm ngặt với tất cả hành khách quốc tế xuất phát từ hoặc đã quá cảnh qua Nam Phi, Botswana và Hong Kong (Trung Quốc). Những người tiếp xúc với các hành khách này phải được truy vết và xét nghiệm.

Biến thể mới siêu đột biến của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 9.

Ấn Độ sẽ tiến hành sàng lọc, kiểm tra nghiêm ngặt đối với hành khách quốc tế đến từ châu Phi (Nguồn: CNN)

Thứ trưởng Y tế Ấn Độ Rajesh Bhushan cũng yêu cầu phải gửi mẫu bệnh phẩm của những người dương tính tới các phòng thí nghiệm giải trình tự gen ngay lập tức để tìm hiểu. Trong thư, bộ Y tế Ấn Độ cho biết biến thể này được cho là có số lượng đột biến cao đáng kể và do đó có nguy cơ tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Yêu cầu phải siết chặt xét nghiệm và truy dấu được đặt ra trong bối cảnh Ấn Độ đã dần nới lỏng các hạn chế thị thực với du khách nước ngoài và bắt đầu mở cửa với du lịch quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước