Lợi ích đan xen, xung đột Ấn Độ - Trung Quốc khó vượt tầm kiểm soát

Thanh Hiệp (Tổng hợp từ New York Times, CNN, Hindustan Times, SCMP, Times of India, Guardian, Bloomberg)-Thứ bảy, ngày 20/06/2020 06:26 GMT+7

Căng thẳng gia tăng tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Căng thẳng New Delhi - Bắc Kinh đã leo thang sau vụ đụng độ lớn giữa binh lính hai nước tại biên giới. Tuy nhiên, tình hình được cho là sẽ không vượt ngoài tầm kiểm soát.

Từ những xung đột nơi biên giới…

Hôm 15/6, xung đột đã xảy ra giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng Galwan, khu vực tranh chấp giữa hai nước. Đây được coi là vụ đụng độ lớn nhất giữa hai bên trong 4 thập kỷ qua. Quân đội Ấn Độ thông báo 20 binh sĩ nước này thiệt mạng. Trung Quốc tới nay vẫn chưa công bố con số thương vong sau vụ đụng độ, dù truyền thông Ấn Độ đưa tin khoảng 35 - 43 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng hoặc bị thương nặng.

Nguyên nhân xuất phát đụng độ lần này là do việc Trung Quốc phản đối Ấn Độ bắt đầu xây dựng một tuyến đường quan trọng ở khu vực hồ Pangong Tso. Hai bên đều cáo buộc nhau đưa binh lính xâm phạm biên giới trên thực tế của phía bên kia.

Căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc tại khu vực biên giới hai nước thực ra đã bắt đầu bùng phát từ đầu tháng 5 năm nay với các vụ đụng độ giữa binh lính hai nước. Trong hơn 5 tuần kể từ đầu tháng 5, quân đội hai nước đã liên tục có nhiều vụ đụng độ ở Pangong Tso, Thung lũng Galwan, Demchok và Daulat Beg ở khu vực Đông Ladakh. Đây là những cuộc đụng độ lớn đầu tiên dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) kể từ cuộc đối đầu 73 ngày tại Doklam năm 2017.

Lợi ích đan xen, xung đột Ấn Độ - Trung Quốc khó vượt tầm kiểm soát - Ảnh 1.

Biên giới Ấn Độ - Trung Quốc trở thành điểm nóng (Ảnh: CNN)

Vụ việc ngay lập tức đã thổi bùng lên những căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Hàng loạt chỉ trích được giới chức và truyền thông hai nước đưa ra sau vụ xung đột. Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar cho rằng Bắc Kinh đã "tính toán, lên kế hoạch trước" xung đột biên giới, trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc Ấn Độ là bên tấn công trước.

Không chỉ dừng lại ở những tuyên bố chỉ trích ngoại giao, Trung Quốc đã tiếp tục tăng cường lực lượng quân đội dọc LAC, đặc biệt trong khu vực nhìn ra thung lũng Galwan, Daulat Beg Oldi, Depsang, Chushul và những khu vực khác thuộc Đông Ladakh. Về phần mình, quân đội Ấn Độ đã tuyên bố tình trạng báo động gần mức chiến tranh dọc LAC, với việc lục quân sẵn sàng đối phó với bất cứ tình huống khẩn cấp nào. Ở Đông Ladakh, Ấn Độ đã triển khai trên 15.000 quân tại các khu vực tiền tuyến với lực lượng chi viện lớn ở tuyến sau.

… đến những căng thẳng kinh tế

Căng thẳng cũng đang lan sang nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh tế. Báo Người bảo vệ của Anh dẫn lời các quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này đã lên kế hoạch triển khai các rào cản thương mại và tăng thuế nhập khẩu với khoảng 300 mặt hàng Trung Quốc.

Bộ Viễn thông Ấn Độ đã lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc sở hữu nhà nước và các công ty tư nhân khác cấm mọi hợp đồng ký kết với Trung Quốc trong tương lai cũng như mọi hoạt động nâng cấp thiết bị có liên quan tới đối tác Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng sẽ bị cấm tham gia bỏ thầu trong các dự án tương lai, trong đó chắc chắn bao gồm cả những kế hoạch nâng cấp dịch vụ di động thế hệ thứ tư (4G) tại Ấn Độ.

Lợi ích đan xen, xung đột Ấn Độ - Trung Quốc khó vượt tầm kiểm soát - Ảnh 2.

Các sản phẩm Trung Quốc đối mặt với làn sóng tẩy chay tại Ấn Độ (Ảnh: Reuters)

Từ hôm thứ Hai, làn sóng chống Trung Quốc bùng nổ khắp Ấn Độ. Các thước phim ghi lại cảnh nhiều người vứt bỏ TV của Trung Quốc từ ban công. Tại thủ đô Delhi, Hội Phúc lợi người dân chống lệ thuộc cũng "tuyên chiến" với Trung Quốc bằng biện pháp tẩy chay hàng hóa. Liên đoàn Thương nghiệp Ấn Độ cũng hưởng ứng với kế hoạch tẩy chay 3.000 loại hàng hóa từ Trung Quốc. Dự án xây dựng đường điện ngầm ở Delhi mà chính quyền đã ký với nhà thầu Trung Quốc cũng chịu nhiều áp lực bãi bỏ.

Khả năng xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát là không cao

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng hai bên để xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát là không cao.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang phải đối mặt với những khó khăn lớn trong nước, do tác động từ đại dịch COVID-19. Ấn Độ vẫn đang loay hoay ứng phó với số ca nhiễm mới liên tục tăng mạnh, trong khi Trung Quốc sau quãng thời gian dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa giờ lại đối mặt với ổ dịch mới ở ngay tại thủ đô Bắc Kinh. Nền kinh tế hai nước, vốn đã chịu tác động nặng nề từ các căng thẳng thương mại trong năm ngoái, giờ đây lại càng trở nên dễ tổn thương hơn do đại dịch. Do đó, một cuộc xung đột ở quy mô lớn là điều mà cả Bắc Kinh lẫn New Delhi đều cố hết sức tránh vào thời điểm này.

Ông Harsh V. Pant, người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Tổ chức Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) ở New Delhi, cho rằng, cuộc đụng độ này rất bất ngờ bởi hai bên đang đàm phán nghiêm túc về việc rút quân. Ông nói với kênh truyền hình CNBC: "Rõ ràng đang có một cuộc khủng hoảng trên biên giới nhưng hai bên đang cố gắng giải quyết tình hình".

Lợi ích đan xen, xung đột Ấn Độ - Trung Quốc khó vượt tầm kiểm soát - Ảnh 3.

Ấn Độ, Trung Quốc sẽ nối lại các động thái giảm căng thẳng (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, bà Kelsey Broderick, chuyên gia phân tích về Trung Quốc tại Eurasia Group, khẳng định rằng những cáo buộc qua lại giữa hai bên sẽ khiến việc thúc đẩy những biện pháp giảm căng thẳng đã được nhất trí từ trước trở nên khó khăn hơn.

Vụ đụng độ hôm 15/6 dù gây nhiều thương vong nhưng không bùng phát thành cuộc xung đột lớn hơn. Đó là một tín hiệu tích cực rằng các cấp cao hơn của hai nước không muốn thổi bùng bất cứ một kiểu chiến tranh nào. Bà Broderick cho rằng, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có thể nối lại các động thái giảm căng thẳng, dù quá trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Bên cạnh đó, sự chênh lệch về tiềm lực kinh tế và quân sự vẫn là yếu tố mà giới chức New Delhi cần tính đến. Mặc dù đều là những nền kinh tế lớn, sở hữu quân đội đông đảo bậc nhất thế giới và có vũ khí hạt nhân, Ấn Độ hiện đang bị Trung Quốc vượt trước với khoảng cách khá xa.

Ông Nishank Motwani, chuyên gia quốc tế tại Trung tâm Đối thoại và Tiến bộ Quốc gia tại Afghanistan, nhận định: "Kinh tế Trung Quốc có quy mô lớn gấp 5 lần Ấn Độ và chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh cũng cao gấp 4 lần New Delhi. Khác biệt này sẽ tạo ra lợi thế cho Bắc Kinh và sự bất cân xứng đang ngày càng mở rộng".

Mối quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc phụ thuộc chặt chẽ

Một yếu tố khác cũng rất đáng lưu tâm. Chính là sự phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á.

Theo hãng truyền thông Bloomberg, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ trong năm tài chính 2019-2020, trong khi hơn 14% hàng hóa nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Trung Quốc. Các mặt hàng Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc rất đa dạng từ điện thoại thông minh, đồ gia dụng, phân bón, phụ tùng ô tô, sắt thép cho tới dược phẩm, hóa chất. Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu lớn nhất vào Ấn Độ, trong khi Ấn Độ cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ bảy của Trung Quốc.

Lợi ích đan xen, xung đột Ấn Độ - Trung Quốc khó vượt tầm kiểm soát - Ảnh 4.

14% hàng nhập khẩu của Ấn Độ trong năm tài chính 2019-2020 là từ Trung Quốc (Nguồn: Bloomberg)

Bên cạnh đó, hai nước cũng hỗ trợ nhau trong quá trình trở thành cường quốc công nghệ mới. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trong giai đoạn 2018-2019, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 8 tỷ USD vào nền kinh tế Ấn Độ. Một trong những lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất là sản xuất điện thoại di động. Các thương hiệu Trung Quốc như Oppo, Vivo, Xiaomi và Realme đang thống trị thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ, đồng thời tạo ra một lượng lớn việc làm tại các nhà máy cho người lao động nước này.

Một báo cáo từ Gateway House cho thấy, các hãng công nghệ Trung Quốc đã đầu tư 4 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ. Tính đến tháng 3/2020, 18 trong tổng số 30 kỳ lân (công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD) của Ấn Độ được tài trợ bởi nguồn vốn Trung Quốc.

Lợi ích đan xen, xung đột Ấn Độ - Trung Quốc khó vượt tầm kiểm soát - Ảnh 5.

Các "kỳ lân" Ấn Độ nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ nguồn vốn Trung Quốc (Nguồn: Bloomberg)

Với sự gắn kết chặt chẽ như vậy, bất kỳ đổ vỡ nào trong quan hệ kinh tế cũng sẽ dẫn tới thiệt hại lớn cho cả hai bên. Ấn Độ sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt không thể thay thế về hàng hóa và vốn đầu tư, trong khi Trung Quốc mất đi lợi thế tại một thị trường tỷ dân với tiềm năng khổng lồ. Ông Sukanti Ghosh, Giám đốc mảng Nam Á tại hãng tư vấn Albright Stonebridge Group, cho biết Ấn Độ là chìa khóa với mục tiêu thống trị thị trường công nghệ toàn cầu của Trung Quốc.

"Cả hai quốc gia đều hưởng lợi lớn từ mối quan hệ này" - ông Sukanti Ghosh nói - "Nó phù hợp với chiến lược thống trị châu Á và tăng cường cạnh tranh với Mỹ của Trung Quốc".

Ấn Độ có thể xích lại gần phương Tây?

Tuy nhiên, những xung đột gần đây có thể khiến Ấn Độ trở nên gần gũi hơn với Mỹ và phương Tây trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Cho tới nay, theo truyền thống, Ấn Độ vẫn không muốn có quan hệ quá mật thiết với Mỹ và vẫn cố duy trì sự cân đối trong quan hệ với hai cường quốc Mỹ, Trung. Nhưng theo nhận định của hãng truyền thông CNN, vụ đụng độ biên giới sẽ thúc đẩy thêm chiến lược "xoay trục" của Ấn Độ, đưa New Delhi rời xa Bắc Kinh hơn để ngã về phía các đối thủ của Trung Quốc như Mỹ và Nhật Bản cũng như về phía một cường quốc khu vực là Australia.

Lợi ích đan xen, xung đột Ấn Độ - Trung Quốc khó vượt tầm kiểm soát - Ảnh 6.

Căng thẳng với Bắc Kinh có thể đẩy New Delhi xích lại gần Mỹ và phương Tây (Ảnh: Reuters)

Nhật báo Hindustan Times rất có ảnh hưởng ở Ấn Độ nhận định: "Bắc Kinh muốn kiềm chế sức mạnh và tham vọng của New Delhi. Họ muốn Ấn Độ phải chấp nhận ưu thế của Trung Quốc ở châu Á và ngoài khu vực này".

Tờ báo này kêu gọi New Delhi tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, đồng thời tham gia vào bất cứ nhóm nào đang tìm cách ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Tờ báo cũng đề nghị biến Đối thoại an ninh bốn bên (QUAD) - diễn đàn chiến lược không chính thức giữa 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - thành một cơ chế mang tính thường trực hơn. Tuy chưa phải là một liên minh quân sự chính thức giống như NATO nhưng QUAD được một số người xem là một đối trọng tiềm tàng trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tờ New York Times nhận định rằng, Ấn Độ đang đẩy mạnh chiến dịch tăng cường vị thế tại các tổ chức đa phương lớn. Hôm 17/6, Ấn Độ đã được bầu vào vị trí thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2021 - 2022.

Trước đó, hồi tháng 5, nước này cũng giành được ghế trong ban điều hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) Samir Saran, đây là những bước đi cần thiết của New Delhi bởi "Trung Quốc là một quốc gia lớn và hùng mạnh. Để ứng phó, Ấn Độ cần triển khai các chính sách trên cả 3 lĩnh vực: quân sự, kinh tế và chính trị".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước