Shell là công ty năng lượng cuối cùng báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022, cùng với các đối thủ trong lĩnh vực, bao gồm cả BP và TotalEnergies, với lợi nhuận lớn từ sự biến động giá hàng hóa xuất phát từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2.
Cổ phiếu của Shell, công ty dầu khí đa quốc gia của Anh, đã tăng 3,3% vào đầu phiên giao dịch ngày 5/5, cao hơn mức tăng 1,8% của các công ty dầu khí khác.
Đây được coi là mức lợi nhuận hàng quý cao nhất của Shell, vượt qua kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2008, ngay cả khi công ty này đã ghi giảm 3,9 tỷ USD sau thuế do quyết định rút khỏi hoạt động tại Nga.
Shell hiện đang giảm hoạt động kinh doanh dầu khí với Nga.
Lãnh đạo Liên minh châu Âu hôm 4/5 đã đề xuất một lệnh cấm vận dầu mỏ theo từng giai đoạn đối với Nga. Nếu được các nước thành viên ủng hộ, đây sẽ là bước ngoặt đối với khối thương mại lớn nhất thế giới, mặc dù khối này vẫn chưa thực hiện lệnh cấm khí đốt.
Công ty dầu khí Shell công bố lợi nhuận quý I/2022 cao kỷ lục. (Ảnh: Bloomberg)
"Sẽ là một mùa đông khó khăn nếu chúng ta không có năng lượng của Nga vào châu Âu", Giám đốc điều hành Shell, ông Ben van Beurden phát biểu tại cuộc họp hội nghị.
Vào cuối năm nay, Shell cho biết sẽ ngừng tất cả các hoạt động mua dầu thô dài hạn với Nga, ngoại trừ hai hợp đồng với một "nhà sản xuất nhỏ, độc lập của Nga" mà họ không nêu tên.
Các hợp đồng nhập khẩu những sản phẩm dầu tinh luyện từ Nga của Shell cũng sẽ kết thúc, đồng thời cho biết, công ty này vẫn còn các hợp đồng dài hạn để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.
Shell, nhà kinh doanh LNG lớn nhất thế giới, cho biết, doanh số bán nhiên liệu này đã tăng 9% trong quý I/2022, lên 18,3 triệu tấn. LNG được coi là yếu tố quan trọng để chấm dứt sự phụ thuộc của châu Âu vào đường ống dẫn khí đốt của Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!