Lũ lụt xảy ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phải chống chọi với hàng loạt vụ cháy rừng. (Ảnh: AP)
Mưa xối xả đã trút xuống các tỉnh khu vực Tây Bắc Biển Đen thuộc Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 11/8, gây lũ lụt nghiêm trọng, phá hủy nhà cửa, nhiều cây cầu, ô tô bị lũ cuốn trôi, nhiều tuyến đường bị cô lập không thể đi qua được.
Cơ quan Quản lý thảm họa khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) xác nhận, 52 người đã thiệt mạng ở tỉnh Kastamonu, 9 người ở Sinop và một người tại Bartin. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, hiện 77 người vẫn mất tích trong trận lũ lụt, 8 người đang điều trị vết thương trong bệnh viện.
Các đội cứu hộ khẩn cấp đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những người mất tích trên khắp khu vực trong bối cảnh nhiều tòa nhà bị sập một phần. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã cử hai tàu đến sơ tán người và phương tiện khỏi một thị trấn ở Sinop, đồng thời gửi các phương tiện quân sự có thể làm cầu tạm để giúp các lực lượng tiếp cận những khu vực có cầu bị cuốn trôi hoặc hư hỏng.
Lũ lụt phá hủy nhà cửa, nhiều cây cầu, ô tô bị lũ cuốn trôi. (Ảnh: AP)
Ngày 15/8, Bộ Quốc phòng Israel thông báo rằng, Bộ này đã liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ về việc Israel sẽ gửi đội tìm kiếm và cứu hộ tới hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trận lũ lụt lớn xảy ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phải hứng chịu một đợt nắng nóng gay gắt và hàng loạt đám cháy rừng xảy ra trên khu vực bờ biển Địa Trung Hải của nước này.
Các nhà khoa học khí hậu cho rằng, biến đổi khí hậu có nguyên nhân một phần từ các hoạt động của con người đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn như sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và bão khi Trái đất ấm lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!