Vào ngày 13/9, một vùng áp thấp đã hình thành trên vịnh Bengal phía Đông Bắc và Đông Nam Bangladesh (nước láng giềng của Ấn Độ), mạnh lên thành áp thấp vào lúc 5h30 ngày 14/9. Áp thấp di chuyển về phía Tây - Tây Bắc qua bờ biển Bangladesh tới bang Tây Bengal.
Hậu quả là mưa lớn và nước xả từ con đập của Tập đoàn Thung lũng Damodar - hoạt động tại khu vực sông Damodar thuộc bang Tây Bengal và Jharkhand của Ấn Độ để xử lý Dự án Thung lũng Damodar - đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở phía Nam bang Tây Bengal, cướp đi sinh mạng của hàng chục người và ảnh hưởng đến hàng triệu cư dân.
Sáu huyện bị ảnh hưởng đáng kể bao gồm Birbhum, Bankura, Howrah, Hooghly, Bắc và Nam 24 Parganas, Đông và Tây Medinipur, và Paschim Bardhaman.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Ghatal ở Tây Medinipur và Udaynarayanpur ở Howrah. Việc xả lũ từ các đập và hồ chứa đã làm tình hình ở Ghatal trở nên tồi tệ hơn. Sông Dwarakeswar đã vỡ bờ gây ra lũ lụt ở Hooghly, khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn và bảo đảm.
Lũ lụt cũng gây ra nhiều thiệt hại về mùa màng. Ga xe lửa Panskura và bến xe bus liền kề ở huyện Đông Medinipur đã bị chìm sau trận lũ khiến hành khách không thể tiếp cận được.
Bà Mamata Banerjee đi thị sát tình hình lũ lụt ở bang Tây Bengal (Ảnh: India Today)
Nhiều ngôi nhà và bệnh viện chìm sâu trong nước lũ. Lực lượng cứu hộ phải dùng thuyền để sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Theo giới chức bang Tây Bengal, nguyên nhân lũ lụt là do bang Jharkhand mở cửa xả lũ tại các đập.
Bộ trưởng chính quyền bang Tây Bengal - bà Mamata Banerjee - hôm 19/9 đã chỉ trích giới chức bang Jharkhand. Bà Mamata Banerjee cáo buộc tình hình lũ lụt ở bang Tây Bengal đã gia tăng kể từ khi Tập đoàn Thung lũng Damodar xả lũ từ đập của mình để cứu bang Jharkhand.
Bà Banerjee đã ra lệnh niêm phong biên giới, tuyên bố rằng biên giới liên bang Bengal - Jharkhand sẽ bị đóng trong 3 ngày. Khi cáo buộc Tập đoàn Thung lũng Damodar gây ra lũ lụt ở bang Tây Bengal, bà đã đe dọa sẽ cắt đứt mọi mối quan hệ với tập đoàn này. Bà cũng cáo buộc chính quyền bang Jharkhand không chỉ đạo nạo vét tại các đập của Tập đoàn Thung lũng Damodar, dẫn đến việc xả nước và gây ra lũ lụt ở một số huyện của bang Tây Bengal.
Hàng năm, mưa bão gây tàn phá trên diện rộng tại Ấn Độ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu đang làm thay đổi các hình thái thời tiết và làm gia tăng những hiện tượng thời tiết cực đoan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!