Đây là thông tin do Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết.
Gần 3/4 trong số người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng lũ lụt nghiêm trọng sống ở hai bang Unity và Jonglei của Nam Sudan. OCHA cảnh báo, "những trận mưa lớn hơn và lũ lụt dự kiến sẽ xảy ra trong những tháng tới tại nước này".
Theo đại diện OCHA, việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt là một thách thức lớn do không thể tới những khu vực bị này bằng đường bộ, trong khi các nhân viên cứu trợ đang phải vật lộn để cung cấp thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho người dân đi sơ tán.
Nước dâng cao trong đợt mưa đầu mùa với lượng mưa lớn đã tàn phá đất canh tác nông nghiệp, giết chết gia súc và phá hủy những túp lều tồi tàn của người dân, một năm sau khi trận lũ lụt kỷ lục ảnh hưởng đến khoảng 700.000 người ở quốc gia này.
Khoảng 100.000 trong số những người phải di dời trong trận lũ lụt thảm họa vào năm 2020 vẫn chưa thể trở về nhà. Trong khi đó, mưa diễn ra không ngừng khiến một số vùng đất nông nghiệp bị chìm trong nước trong hơn một năm qua, OCHA cho biết.
Trẻ em chơi trong dòng nước lũ đục bùn ở làng Wang Chot, huyện Old Fangak, bang Jonglei, Nam Sudan. (Ảnh: AP)
Giá cả tăng vọt là một trong những hậu quả của mưa lũ. Thiệt hại về đường sá đã khiến sản xuất, lưu thông nông nghiệp bị gián đoạn hoặc chậm lại. Sản lượng sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương của Nam Sudan rất thấp, giao thông vận tải bị cản trở nên hàng hóa không đến được những địa phương khác. Vì vậy, kết quả là mọi thứ trở nên rất đắt đỏ.
OCHA đã cảnh báo về nguồn cung hạn chế và sự thiếu hụt kinh phí. Nam Sudan "cần phải có thêm tiền mặt để mở rộng quy mô ứng phó với bão lũ, tiếp cận các cộng đồng bị ảnh hưởng ở nhiều phương diện do mưa lũ".
Theo OCHA, họ chỉ nhận được 54% trong số 1,7 tỷ USD (khoảng 1,4 tỷ Euro) chi phí cần thiết để tài trợ cho các chương trình tại Nam Sudan.
Ngân hàng Thế giới vào năm 2018 nhận định, 4/5 trong số 11 triệu người dân ở Nam Sudan sống trong tình trạng "nghèo đói tuyệt đối", trong khi hơn 60% dân số của quốc gia này phải chịu cảnh thiếu đói nghiêm trọng do các tác động kết hợp từ thực trạng xung đột, hạn hán và lũ lụt.
Kể từ khi giành được độc lập vào năm 2011, quốc gia non trẻ này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị diễn ra trong nhiều năm và đang phải vật lộn để phục hồi sau hậu quả của cuộc nội chiến kéo dài 5 năm, khiến gần 400.000 người thiệt mạng.
Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn và chia sẻ quyền lực vào năm 2018 giữa Tổng thống Salva Kiir và cấp phó của ông Riek Machar phần lớn vẫn được giữ nguyên, nhưng có rất ít tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các điều khoản của tiến trình hòa bình này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!