Về lý thuyết Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Đây là lý do chính tại sao Hàn Quốc hiện vẫn duy trì một chế độ tòng quân bắt buộc dành cho mọi nam công dân.
Mỗi tuần, tại trại huấn luyện Nonsan - trại huấn luyện lớn nhất toàn Hàn Quốc, có khoảng 2.000 lính mới nhập ngũ. Trong những ngày đầu, lính nghĩa vụ mới nhập ngũ sẽ được huấn luyện những kỹ năng và kiến thức chiến đấu cơ bản, từ pháo binh, hóa học tới rèn luyện thể chất.
Binh sỹ hoàn thành 24 tháng nghĩa vụ sau đó sẽ nằm trong danh sách quân nhân dự bị trong 8 năm tiếp theo, sẵn sàng được điều động bất cứ lúc nào.
Thực tế có tới hơn 30 nước hiện đang duy trì luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc cho công dân. Trong đó, Hàn Quốc được cho là có những quy định nghiêm ngặt nhất, gần như không có bất cứ một ngoại lệ nào. Tuy nhiên, sau khi đội tuyển bóng đá nam Hàn Quốc được miễn trừ nghĩa vụ vì giành Huy chương Vàng ASIAD, vấn đề cải cách luật nghĩa vụ quân sự đang trở thành một đề tài cực kỳ nóng tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc thay đổi luật nghĩa vụ bắt buộc
Cả Hàn Quốc đang xôn xao vụ 12 sinh viên của một nhạc viện trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách không giống ai đó là tăng cân. Những thanh niên này đã cố tình ăn rất nhiều thức ăn giàu calo như pizza, hamburger với hy vọng trở nên béo phì, sau đó là trượt bài kiểm tra thể chất và không phải nhập ngũ. Họ ăn 5 bữa 1 ngày, trong suốt 6 tháng. Kết quả là mỗi người đã tăng 30kg. Đây như một nỗ lực tuyệt vọng, tự biến mình thành một dạng người "không đủ khả năng", để trốn nghĩa vụ.
Tuy nhiên, có cách để không phải đi nghĩa vụ đó là đạt được thành tích đặc biệt. Các nghệ sỹ nhạc cổ điển và những vận động viên có các thành tích quốc tế nhất định sẽ được miễn trừ.
Hay siêu sao bóng đá Hàn Quốc Heung Min Son, hiện đang chơi cho CLB Tottenham Hotspurs của giải ngoại hạng Anh gần đây được miễn nghĩa vụ vì đội tuyển bóng đá nam Hàn Quốc giành Huy chương Vàng ASIAD. Người Hàn Quốc tự hào về Heung Min Son và cho rằng anh xứng đáng được miễn nghĩa vụ để tiếp tục cống hiến.
"Tôi không nghĩ việc Heung Min Son được miễn trừ nghĩa vụ là điều không công bằng. Anh ấy là một trong những ngôi sao bóng đá quốc tế bây giờ. Tôi mong anh ấy sẽ có thời gian để tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình", anh Jang-Hoon (27 tuổi) nói.
Tuy nhiên, nếu đem so sánh, những ngôi sao K-Pop như Psy - người nắm giữ những video có nhiều lượt xem nhất thế giới, hay Big Bang - một nhóm nhạc được công nhận là có tầm ảnh hưởng quốc tế, lại không được đối xử như vậy. Họ đều phải nhập ngũ ở độ tuổi chín nhất trong sự nghiệp.
Luật miễn trừ nghĩa vụ được ban hành năm 1970 như một nỗ lực thúc đẩy Hàn Quốc trở thành một cường quốc thể thao. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, hiện nay Hàn Quốc đang tái cân bằng các ưu tiên của mình.
Bà Choi Huun-Soo - Phát ngôn viên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói: "Chúng tôi sẽ kết hợp ý kiến công chúng và các cơ quan liên quan để đánh giá lại tính công bằng và các khía cạnh khác nữa của luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc".
Trong khi luật miễn trừ nghĩa vụ được xem xét lại, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã thống nhất rút ngắn thời gian đi nghĩa vụ quân sự từ 21 tháng xuống 18 tháng.
Tưởng chừng là một vấn đề rất nhỏ nhưng luật nghĩa vụ quân sự thời điểm này đang gây ra không ít đau đầu cho giới chức Hàn Quốc. Dân số trẻ ngày càng giảm, nghĩa vụ quân sự được rút ngắn, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trong quân đội. Tất cả sẽ càng làm những tranh cãi về sự công bằng của luật miễn trừ nghĩa vụ quân sự thêm căng thẳng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!