Tờ Tiếng vang của Pháp có bài: "Khí hậu sau 3 năm tạm ngưng, phát thải carbon dioxide lại tăng mạnh". Bài báo trích thống kê cho biết phát thải trên toàn thế giới đã tăng 1,6 % vào năm 2017 và năm 2018 này sẽ còn ngạt thở hơn nữa với mức tăng ước tính 2%. Nguyên nhân chủ yếu là do mức phát thải carbon dioxide tại các nước châu Á đã tăng mạnh. Biểu đồ thống kê từ năm 1960 đến nay cho thấy mức tăng xả thải tại Bắc Mỹ và châu Âu từ năm 2000 đã ngưng tăng, thậm chí giảm, nhưng mức độ gây ô nhiễm khí quyển ở châu Á lại tăng đều và tăng nhanh.
Châu Á phát thải carbon dioxide nhiều phần lớn là do Trung Quốc và Ấn Độ. Tờ báo Đức Wittlager Kreisblatt có bài viết với tiêu đề "Chưa thể đảo ngược xu thế phát thải" cho biết Trung Quốc vẫn là nước có lượng xả thải đứng đầu thế giới, gần gấp đôi cả Mỹ - nước đứng vị trí thứ hai, còn Ấn độ đứng thứ ba, vượt xa Nga đứng thứ tư. Tuy nhiên nếu chia trung bình cho số dân, thì các nước vùng Vịnh gây ô nhiễm nhất: Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Saudi Arabia, sau đó mới tới Mỹ.
Tờ Metro (Thụy Điển) cho rằng nếu lượng phát thải tiếp tục tăng theo tốc độ này thì mục tiêu Trái đất chỉ nóng thêm 1,5 độ trong 5 - 10 tới không thể đạt được. Với Trung Quốc và Ấn Độ, nhu cầu năng lượng ngày càng cao, dù tỷ trọng năng lượng sạch tăng nhưng vẫn không làm giảm mức phát thải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!