Lý do Nhật Bản lòng vòng trong mê cung COVID-19

Quang Duy (theo Kyodo, Nikkei Asia, Guardian, Reuters)-Thứ tư, ngày 10/08/2022 08:27 GMT+7

Lý do Nhật Bản lòng vòng trong mê cung COVID-19 - Reuters

VTV.vn - Nhật Bản đang là quốc gia có nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất trên thế giới. Dịch bệnh gây áp lực lên hệ thống y tế và đe dọa khả năng mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế.

Nhật Bản có nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất thế giới

Trung bình từ đầu tháng 8 đến nay, mỗi ngày Nhật Bản ghi nhận hơn 200.000 ca mắc mới COVID-19, đưa quốc gia này trở thành nơi có nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất thế giới. Số ca tăng mạnh vượt xa đỉnh dịch hồi tháng 2/2022, khi đó mỗi ngày nước Nhật ghi nhận gần 100.000 ca mắc mới. Dịch bệnh COVID-19 đã bước sang năm thứ 3. Tuy nhiên chưa bao giờ Nhật Bản trở thành điểm nóng COVID như hiện tại. Các chuyên gia dịch tễ đã lý giải những nguyên nhân khiến Nhật Bản chưa thể thoát khỏi "mê cung" COVID-19.

Biến thể BA.5 lây nhiễm nhanh

Biến thể mới BA.5 của chủng Omicron là một trong những nguyên nhân đầu tiên tạo ra làn sóng dịch COVID-19 hiện nay tại Nhật Bản. Theo giáo sư Tetsuya Mizutani, Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, một chuyên gia nghiên cứu về virus SARS-CoV-2, dòng phụ BA.5 có ít nhất 34 đột biến so với biến thể gốc. Trong số 34 đột biến đó, có 3 đột biến có đặc trưng làm suy yếu tác dụng của vaccine. Như vậy, các kháng thể do vaccine tạo ra gặp khó khăn khi nhận diện các protein gai, làm giảm tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập virus vào cơ thể con người. Thống kê ngày 21/7 của cơ quan y tế Nhật Bản cho thấy, trong tổng số 186.000 ca được xét nghiệm, tỷ lệ nhiễm dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lên tới 96%.

Lý do Nhật Bản lòng vòng trong mê cung COVID-19 - Ảnh 1.

Người dân đi lại tấp nập trên một con phố ở Tokyo ngày 31/7 - Ảnh: Reuters

BA.5, biến thể phụ của Omicron, cũng gây ra khoảng 80% trường hợp nhiễm mới COVID-19 ở Mỹ, theo dữ liệu cuối tháng 7 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ. Ngành y tế Mỹ cảnh báo BA.5 đang lây lan rất nhanh và khiến nhiều người tái nhiễm COVID-19.

Tâm lý mệt mỏi vì dịch bệnh kéo dài

Theo giáo sư Akimasa Hirata, tại Viện Công nghệ Nagoya, tâm lý chủ quan và mệt mỏi với đại dịch cũng đã góp phần gây ra cơn sóng COVID-19 mới nhất tại Nhật Bản. Chia sẻ với hãng tin Kyodo, giáo sư Hirata cho biết: "Dù số ca gia tăng nhưng năm nay khác hẳn năm ngoái, chúng tôi không thấy người dân có xu hướng hạn chế ra ngoài". "Các ca bệnh có thể sẽ tiếp tục tăng cao do hiệu quả của vaccine đối với nhóm dân số trong độ tuổi lao động đang giảm", giáo sư Hirata nói thêm.

Lý do Nhật Bản lòng vòng trong mê cung COVID-19 - Ảnh 2.

Các chuyên gia dịch tễ Nhật Bản cho rằng người dân đang ngày càng mệt mỏi và chủ quan hơn với đại dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Nhật Bản chưa bao giờ áp lệnh phong tỏa "cứng" nhưng thường xuyên kêu gọi người dân tránh đi du lịch và hủy bỏ các hoạt động đi lại không thiết yếu. Chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu một số lĩnh vực kinh doanh đóng cửa sớm và phạt tiền với các doanh nghiệp vi phạm.

Lần bùng dịch này, giới chức cũng có cách ứng xử tương tự, chính quyền các thành phố kêu gọi người dân hạn chế di chuyển và chỉnh đốn giờ hoạt động của các hàng quán. Giới chức y tế ở từng thành phố có quyền chủ động tuyên bố thêm các biện pháp chống dịch tùy tình hình thực tế, mục tiêu trước mắt là tập trung bảo vệ những người lớn tuổi và dễ bị tổn thương trước COVID-19.

Thành phố Osaka gần đây kêu gọi những người lớn tuổi cân nhắc lại các chuyến đi chơi không cần thiết cho đến khi làn sóng mới nhất lắng xuống. Phó Chánh văn phòng Nội các chính phủ Nhật Bản, ông Seiji Kihara cho biết: "Thay vì phản ứng ở mức độ toàn quốc, chúng tôi muốn hỗ trợ các chính quyền khu vực đưa ra quyết định dựa trên tình huống ở từng địa phương". Ông Kihara nhấn mạnh thêm: "Điều quan trọng là phải hỗ trợ các hoạt động kinh tế xã hội của từng tỉnh."

Tỷ lệ chuyển nặng và tử vong không tăng so với các làn sóng dịch trước

Hãng tin Kyodo cho biết, số ca mắc mới ở đợt dịch này tăng đột biến nhưng tỷ lệ chuyển nặng và tử vong không cao hơn các làn sóng dịch trước đó. Tỷ lệ lấp đầy giường của bệnh nhân COVID-19 ở Tokyo đã tăng lên hơn 50%. 4 tổ chức nghiên cứu, học thuật ở Nhật Bản, trong đó có Hội các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản (JAID), vừa ra tuyên bố khẩn cấp kêu gọi người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hạn chế đi khám ở các cơ sở y tế. Các chuyên gia khuyến nghị các bệnh nhân COVID-19 tự mua các loại thuốc không cần kê đơn tại các nhà thuốc thay vì tới các bệnh viện và phòng khám bởi vì, trong nhiều trường hợp, "biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh không khác nhiều so với cảm lạnh". Các triệu chứng của Omicron trong giai đoạn cấp tính thường xuất hiện trong khoảng 3 ngày, nhưng phần lớn sẽ giảm bớt trong từ 2 tới 4 ngày. Ngoài ra, 4 tổ chức trên cũng đề nghị những người có triệu chứng như sốt và đau họng "xin nghỉ làm hoặc nghỉ học, tránh đi ra ngoài đường và bắt đầu hội phục ở nhà". Những người khó thở hoặc sốt từ 37,5 độ C trở lên có thể gặp các triệu chứng nặng hơn, cần tham vấn với các cơ sở y tế gần nhà và có thể gọi xe cấp cứu nếu cần.

Lý do Nhật Bản lòng vòng trong mê cung COVID-19 - Ảnh 3.

Số giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19 tại Tokyo đã được lấp đầy 50% - Ảnh: Nikkei Asia

Các chuyên gia y tế và kinh tế Nhật Bản đã kêu gọi chính phủ nước này đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, tức là ngang với cúm mùa, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế công cộng, đồng thời áp dụng cách tiếp cận linh hoạt với dịch COVID-19 như dừng truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và cho phép các phòng khám chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Tiêm đại trà mũi vaccine thứ 4 để chặn đà lây lan của biến thể mới

Giáo sư Mizutani nhận định vaccine có tác dụng rõ ràng trong việc ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển nặng vì thực tế cho thấy số ca bệnh nặng không tăng tỷ lệ thuận với số ca mắc mới. Do đó, tiêm phòng COVID-19 mũi thứ 3 và thứ 4 vẫn là biện pháp cơ bản nhất để ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố sẽ kéo dài thời gian hoạt động của các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn do bộ này chủ trì tại 2 thành phố là Tokyo và Osaka đến cuối tháng Chín, thay vì cuối tháng Bảy như dự kiến.

Lý do Nhật Bản lòng vòng trong mê cung COVID-19 - Ảnh 4.

Thành phố Tokyo tiêm chủng đại trà mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 - Ảnh: Reuters

Chính quyền thành phố Tokyo đã bắt đầu triển khai tiêm chủng mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên y tế ở nước này, cũng như áp dụng tiêm đại trà cho người dân có nhu cầu. Trước đó, nước này đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4 vào cuối tháng 5/2022, nhưng chỉ giới hạn ở những người từ 60 tuổi trở lên và những người có bệnh lý nền trong độ tuổi từ 18-59. Chính phủ Nhật Bản đánh giá mũi thứ 4 của vaccine ngừa COVID-19 sẽ giúp củng cố lá chắn phòng dịch cho các nhân viên y tế, hạn chế sự lây nhiễm do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước