Malaysia dự báo đỉnh dịch vào giữa tháng 9, Philippines có số ca COVID-19 mới cao kỷ lục

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ tư, ngày 28/07/2021 06:22 GMT+7

Hơn 195,8 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 28/7, thế giới có trên 195,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,19 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 35,3 triệu ca mắc và gần 627.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 40.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mỹ đang trong làn sóng lây nhiễm gia tăng do biến thể Delta mà theo ước tính hiện chiếm tới hơn 89% số ca nhiễm tại Mỹ. Những điểm nóng về dịch bệnh bao gồm các bang Arkansas, Florida (chiếm gần 1/4 số ca mắc mới), Louisiana và Missouri. Các bang này hiện tụt lại đằng sau các bang khác về tỉ lệ tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Tuy nhiên, ông Jeff Zients, người điều phối phụ trách đối phó dịch COVID-19 của Nhà Trắng hồi tuần trước nói với các phóng viên rằng, những bang này mới đây đã ghi nhận tỉ lệ tiêm chủng cao hơn sau khi số ca lây nhiễm tăng trong mùa hè.

Đến nay, chỉ có trên 49% trong tổng số dân chúng Mỹ đã tiêm phòng đầy đủ, thấp hơn so với mức 85 - 90% mà các chuyên gia cho rằng cần có để đạt được miễn dịch cộng đồng. Do vậy, các chuyên gia kêu gọi, người dân tích cực tham gia chương trình tiêm phòng COVID-19 quốc gia.

Nhà Trắng quyết định duy trì các hạn chế đi lại do dịch bệnh COVID-19 khi số ca mắc tại nước này gia tăng do biến thể Delta. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính quyền Mỹ quyết định duy trì các hạn chế đi lại hiện nay do sự lây lan rộng của biến thể Delta tại nước này cũng như trên toàn thế giới và số ca mắc COVID-19 ở Mỹ "có thể sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới". Quan chức này cũng nhấn mạnh, quá trình mở cửa trở lại dựa trên hướng dẫn khoa học và sức khỏe cộng đồng.

Ngày 27/7, tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ ghi nhận trên 42.900 ca mắc mới và 640 ca tử vong do COVID-19. Hiện tổng cộng trên 31,48 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 422.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 550.500 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 19,7 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Liên minh châu Âu EU sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm đủ 2 mũi cho 70% người dân trên 18 tuổi ngay trong mùa hè này. Hiện nay, đã có tổng cộng gần 60% người dân ở đây được tiêm phòng đủ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định, với sự lây lan của biến thể Delta, vaccine COVID-19 là thiết yếu. Do nguồn cung hạn chế, EU có tiến độ tiêm chủng chậm hơn so với những nước thu nhập cao khác như Mỹ hay Anh.

Ngày 27/7, Anh ghi nhận số ca nhập viện và tử vong do dịch COVID-19 cao nhất kể từ tháng 3, mặc dù số ca mắc mới giảm đều đặn trong tuần qua. Số ca tử vong do COVID-19 tại Anh trong ngày 27/7 lên tới 131 ca, mức cao nhất kể từ ngày 17/3, trong khi con số này chỉ đứng ở mức 14 ca vào ngày 26/7. Số ca nhập viện cũng tăng đều đặn, lên tới 5.918 ca vào ngày 27/7, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 3, dù số ca mắc mới mỗi ngày đã giảm trong 7 ngày qua.

Anh là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, với 129.303 ca, nhưng lệnh phong tỏa và chương trình tiêm vaccine đã làm giảm đáng kể tỷ lệ này kể từ tháng 3. Đến nay, trên 5,7 triệu người đã mắc COVID-19 ở nước này.

Tại Australia, tình hình dịch bệnh ở bang New South Wales tiếp tục diễn biến phức tạp khi chính quyền bang ngày 27/7 ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 172 ca trong 24 giờ qua, trong đó hơn 60 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian cho biết, phần lớn các ca nhiễm mới xuất hiện tại khu vực phía Tây Sydney do lây lan tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết yếu vẫn được phép hoạt động và do tiếp xúc giữa các thành viên gia đình chưa được tiêm chủng.

Trước tình hình trên, bà Berejicklian cho biết, rủi ro sẽ rất cao nếu chính quyền bang dỡ bỏ lệnh phong tỏa quá sớm. Do đó chính quyền sẽ công bố gia hạn lệnh phong tỏa hiện nay, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31/7 tới, vào sáng 28/7. Bên cạnh đó, chính quyền cũng sẽ thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng trên toàn bang và xem xét thêm các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Bang Victoria và Nam Australia của Australia sẽ dỡ bỏ phong tỏa từ đêm 27/7, nhưng vẫn duy trì nhiều quy định về giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa tái bùng phát các ca lây nhiễm COVID-19. Đây là lần thứ 5 chính quyền bang Victoria dỡ bỏ phong tỏa sau nhiều ngày không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong cộng đồng. Trong những ngày vừa qua, bang này vẫn ghi nhận các ca mắc mới mỗi ngày, nhưng đều là các trường hợp đã được cách ly, không gây rủi ro lây nhiễm ra ngoài cộng đồng.

Malaysia ngày 27/7 thông báo, nước này ghi nhận 16.117 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại Malaysia được ghi nhận hôm 25/7 vừa qua với 17.045 ca. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký của Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah, dịch bệnh COVID-19 ở nước này được dự báo sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 9 tới với 24.000 ca mắc mới/ngày.

Nước này cùng ngày ghi nhận 207 ca tử vong do COVID-19. Đây là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Malaysia. Trong khi đó, số ca nguy kịch cũng ở mức cao chưa từng có với hơn 1.000 người.

Từ tháng 4 tới nay, số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày ở Malaysia đã tăng từ 4 con số lên 5 con số. Số ca lây nhiễm trong 14 ngày liên tiếp vừa qua đã vượt trên mốc 10.000 trường hợp. Trước tình hình này, Malaysia sẽ tăng thêm bệnh viện công điều trị COVID-19 để cung cấp đủ giường cho các ca điều trị tích cực, đồng thời đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng.

Indonesia hiện cần 2.500 tấn oxy mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của bệnh nhân COVID-19. Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch mua tiếp 20.000 máy tạo oxy để phân phối cho các bệnh viện và cơ sở cách ly. Trước đó, Indonesia đã tiếp nhận 17.000 máy tạo oxy từ nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca mắc mới tăng liên tục, lượng oxy hiện có không đủ đảm bảo cung cấp cho các bệnh nhân kịp thời. Bên cạnh việc kêu gọi hỗ trợ từ bên ngoài, Indonesia cũng sẽ huy động tối đa năng lực trong nước như để sản xuất oxy y tế.

Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận 7.186 ca mắc mới COVID-19, cao nhất kể từ ngày 13/6, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên trên 1,56 triệu người, trong đó có 27.318 trường hợp tử vong.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cho biết, số ca mắc trong hệ thống tàu điện ngầm tại Manila đã tăng 47%, khiến số ca mắc tại thủ đô tăng lên hơn 900 ca/ngày vào tuần trước. Theo Bộ Y tế Philippines, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 1/2020, nước này đã xét nghiệm cho hơn 15 triệu trong tổng số 110 triệu dân. Philippines đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn sự lây lan nhanh của các biến thể xuất hiện tại nước này, trong đó, Delta là biến thể có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất.

Bộ Y tế Lào công bố, nước này đã ghi nhận thêm 169 ca mắc mới và 1 trường hợp tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay Lào đã ghi nhận tổng cộng 5.154 ca mắc và 6 người tử vong. Tất cả các ca mắc mới đều là người nhập cảnh được cách ly ngay. Cụ thể, gần 60% số ca nhiễm COVID-19 tại Lào cho đến nay là các ca nhiễm mới được ghi nhận trong tháng 7 này và chủ yếu là người lao động trở về từ Thái Lan. 35% trong số này được xác định nhiễm biến thể Delta.

Theo Bộ Y tế Lào, trong những ngày qua, dù số ca mắc mới COVID-19 trong ngày luôn ở mức 3 con số nhưng đều là các ca nhiễm mới được ghi nhận trong các khu cách ly và đã gần 2 tuần nay, nước này không phát hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Để ngăn chặn biến thể Delta có thể lây lan ra cộng đồng, các tỉnh Trung, Nam Lào đã phong tỏa các khu vực có nguy cơ cao trong 7 ngày.Trước tình hình người nhập cảnh mắc COVID-19 gia tăng, nhiều tỉnh Trung, Nam Lào như Sekong, Attapeu và Savannakhet đã phong tỏa các khu vực có nguy cơ cao để ngăn dịch lây lan. Đồng thời, Ủy ban chuyên trách Trung ương về phòng chống dịch COVID-19 của Lào cũng đang triển khai nhân viên y tế và vật tư cho các tỉnh gặp khó khăn do có nhiều bệnh nhân mắc COVID-19.

Những trung tâm cách ly và cơ sở điều trị tại các tỉnh miền Trung và Nam Lào, đặc biệt là Savannakhet và Champasak, luôn trong tình trạng quá tải do chịu áp lực lớn khi tiếp nhận và điều trị nhiều ca mắc COVID-19 là người lao động nhập cảnh về nước từ Thái Lan.

Tại quốc gia láng giềng Campuchia, Bộ Y tế ngày 27/7 xác nhận thêm 39 ca mắc mới biến thể Delta, nâng tổng số ca mắc biến thể có tốc độ lây nhiễm cao này tại Campuchia lên 114 ca. Theo đó, từ ngày 22 - 25/7, Viện Pasteur Campuchia qua xét nghiệm đã ghi nhận 39 ca nhiễm mới biến thể Delta, trong đó 21 trường hợp là người trở về từ Thái Lan và 18 ca lây nhiễm trong nước, chủ yếu là nhân viên y tế và người dân tại các tỉnh Oddar Meanchey, Kampong Thom và Siem Reap.

Campuchia ngày 27/7 ghi nhận 685 ca mắc mới và 19 người tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này hiện là 74.386 trường hợp, trong đó có 1.324 bệnh nhân thiệt mạng.

Bộ Y tế Campuchia cùng ngày thông báo, Cơ quan Hải quan nước này đã thu giữ 3 container thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ sau khi phát hiện lô hàng này có virus SARS-CoV-2. Theo thông báo đăng trên truyền thông Campuchia, các mẫu thịt đông lạnh trên đã được Viện Pasteur Campuchia mang đi xét nghiệm và kết quả cho thấy có virus trong mẫu thử. Theo tờ Khmer Times, lô thịt trâu này sẽ bị tiêu hủy ở quận Oral, Kampong Speu trong 2 đến 3 ngày tới.

Thống đốc tỉnh Kampong Speu, Vy Samnang, nhấn mạnh rằng, lô thực phẩm này phải bị tiêu hủy để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân tìm hiểu rõ nguồn gốc thực phẩm trước khi mua. Ngày 24/7, Bộ Y tế Campuchia đã cảnh báo virus SARS-CoV-2 có thể lưu lại trên thịt đông lạnh.

Cục Dịch vụ Y tế (DMS) thông báo, thủ đô của Thái Lan đã hết giường trong khu chăm sóc tích cực (ICU) để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Cục trưởng DMS Somsak Ankasil ngày 26/7 thừa nhận rằng, tất cả giường dành cho bệnh nhân nặng tại các bệnh viện công đều đã kín chỗ, trong khi nhiều bệnh nhân nặng hiện vẫn đang chờ được điều trị trong những phòng cấp cứu tại 2 bệnh viện Lerdsin và Nopparat.

Bangkok, tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ 3 ở Thái Lan hiện nay, có tổng cộng 36.977 giường trong các bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, hiện có 37.668 bệnh nhân cần điều trị, tức là vượt quá 691 ca so với khả năng. Trong khi đó, thành phố này chỉ còn 257 giường trong các bệnh viện dã chiến và 1.021 giường trong những bệnh viện - khách sạn dành cho các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ.

Thái Lan ngày 27/7 ghi nhận thêm 14.150 ca nhiễm mới cùng 118 trường hợp tử vong. Đến nay, tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay ở nước này là 526.828, trong đó có 4.264 người không qua khỏi.

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc khi nước này tiếp tục ghi nhận hơn 1.300 nhiễm mới trong ngày thứ hai liên tiếp. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) cho biết, ngày 27/7, Hàn Quốc ghi nhận thêm 1.365 ca nhiễm, trong đó 1.276 người lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số bệnh nhân trên cả nước lên 191.531 trường hợp. Hiện tổng số ca tử vong tại nước này cũng tăng lên 2.079 ca sau khi có thêm 2 người không qua khỏi trong 24 giờ qua. Tỷ lệ tử vong tại Hàn Quốc hiện là 1,09%.

Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng mạnh trong thời gian gần đây không chỉ do số ca bệnh tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận tăng vọt mà còn do số ca nhiễm mới tăng nhanh ở những khu vực khác trên cả nước khi người dân đi du lịch vào mùa hè. Số liệu thống kê cho thấy, gần 40% số ca nhiễm mới là ở những khu vực ngoài thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Giới chức y tế Hàn Quốc lo ngại rằng, đường cong dịch tễ tại Hàn Quốc hiện chưa thể đạt đỉnh trong bối cảnh biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang trở thành biến thể lây lan chính tại nước này trong khi người dân lại di chuyển nhiều hơn vào mùa hè.

Việc tiêm kết hợp mũi đầu là vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca và mũi 2 là vaccine của Pfizer-BioNTech sẽ giúp sản sinh nhiều kháng thể hơn gấp 6 lần so với việc tiêm cả 2 mũi là vaccine của AstraZeneca. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố tại Hàn Quốc, thực hiện với 499 nhân viên y tế. Trong số này, 100 người được tiêm 2 mũi vaccine kết hợp, 200 người nhận 2 mũi vaccine của Pfizer-BioNTech và số còn lại nhận 2 mũi vaccine của AstraZeneca.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Hàn Quốc cũng xác định khả năng miễn dịch của các nhóm kể trên với các biến thể của virus SARS-CoV-2. Kết quả chỉ ra, với biến thể Alpha, phát hiện lần đầu tiên tại Anh, hiệu quả bảo vệ ghi nhận ở các nhóm đều không suy giảm. Trong khi đó, với các biến thể Beta (lần đầu tiên tại Nam Phi), Gamma (lần đầu tiên tại Brazil) và Delta (lần đầu tiên tại Ấn Độ), hiệu quả bảo vệ ghi nhận ở các nhóm giảm trong khoảng tương ứng từ 2,5 đến 6 lần.

Cùng ngày, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết, trong ngày 27/7, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 71 ca nhiễm mới, trong đó 31 người lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều ở tỉnh Giang Tô, và không có trường hợp tử vong nào. Một ngày trước đó, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất kể từ tháng 1 và trong 40 ca lây nhiễm trong cộng đồng có 39 ca ở tỉnh Giang Tô. Do số ca mắc mới tăng vọt, giới chức tỉnh Giang Tô đang phải tiến hành xét nghiệm hàng loạt lần thứ 2 cho hàng triệu người ở tỉnh miền Đông Trung Quốc này.

Chính quyền tỉnh Giang Tô thông báo, biến thể gây ra chùm ca bệnh tại thủ phủ Nam Kinh của tỉnh này là biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của thành phố Nam Kinh, ông Ding Jie, cho biết, số ca nhiễm tăng cao gần đây ở thành phố này có thể do vị trí đặc biệt của ổ dịch và tính chất dễ lây lan của biến thể virus trên.

Cho đến nay, ổ dịch ở Nam Kinh này đều liên quan đến các nhân viên sân bay và những người tiếp xúc với họ. Tuy nhiên, giới chức tỉnh Giang Tô cho biết, có một số ca mắc mới được báo cáo là những hành khách đi máy bay tại các khu vực khác của Trung Quốc từng đến sân bay Nam Kinh.

Tính đến hết ngày 27/7, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 92.676 ca nhiễm, trong đó có 4.636 trường hợp không qua khỏi.

Trong ngày qua, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao nhất từ trước đến nay với 2.848 trường hợp. Mốc cao kỷ lục trước đó là ngày 7/1 với 2.520 bệnh nhân. Do lo ngại làn sóng lây nhiễm biến thể Delta, chính quyền Tokyo đã đề nghị các bệnh viện chuẩn bị thêm giường để điều trị bệnh nhân COVID-19. Số ca nhiễm mới tại thành phố này trong ngày 26/7 đã tăng gấp đôi so với 1 tuần trước.

Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra theo các quy định cách ly nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh, song đã có 155 ca mắc COVID-19 được phát hiện trong số các vận động viên và nhân viên của các đoàn thể thao. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 27/7, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định, số ca mắc mới cao kỷ lục tại Tokyo không phải là một vấn đề đối với Olympic, đồng thời cho rằng, người dân cần tập trung làm việc tại nhà để giảm thiểu đi lại.

Biến thể Delta - phiên bản COVID-19 nguy hiểm nhất với thế giới Biến thể Delta - phiên bản COVID-19 nguy hiểm nhất với thế giới Nhiều nước khuyên người đã tiêm vaccine vẫn nên đeo khẩu trang Nhiều nước khuyên người đã tiêm vaccine vẫn nên đeo khẩu trang Nga thử nghiệm kết hợp vaccine của AstraZeneca và Sputnik V Nga thử nghiệm kết hợp vaccine của AstraZeneca và Sputnik V

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước