Mạng viễn thông 5G được hứa hẹn là một bước nhảy vọt về khối lượng và tốc độ dữ liệu truyền dẫn không dây, tạo cơ hội cho những tiến bộ công nghệ như phương tiện tự lái, thực tế ảo… Nhưng vẫn còn nhiều thách thức đối với các quốc gia trong cuộc đua phát triển mạng 5G trên thế giới. Đây cũng là chủ đề được báo chí thế giới nhắc đến nhiều trong những ngày vừa qua.
Khó khăn trước hết là cải tiến cơ sở hạ tầng để tăng tốc độ truyền dẫn. Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G từ tháng 4/2019. Nhưng không phải cứ là người tiên phong thì sẽ luôn giữ được vị trí dẫn đầu.
Vì thế, quốc gia này vẫn tiếp tục nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng để có thể phủ sóng 5G rộng rãi. Tốc độ tải xuống mạng 5G của Hàn Quốc nhanh thứ hai thế giới, sau Saudi Arabia. Thông tin này cũng được tờ Korea Herald giật tít trong một bài bình luận của họ.
Bên cạnh việc cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ khiến đường truyền mạng không ổn định, kênh truyền hình Arirang lại chỉ ra 2 khó khăn khác, khiến cho mạng 5G khó tiếp cận nhiều người dùng ở Hàn Quốc như kỳ vọng của chính phủ. Đó là khách hàng tầm trung không có điều kiện mua điện thoại thông minh phù hợp sim 5G và gói cước mạng 5G được cho là cao hơn từ 30-40% so với gói cước 4G hiện tại. Giá cước cao được các công ty viễn thông giải thích là chi phí tăng từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Giải quyết bài toán chi phí
Tờ The Economist có một bài phân tích về chiến lược phát triển mạng 5G ở một quốc gia châu Á khác - Nhật Bản. Theo bài báo, một trong những chính sách nổi bật của tân Thủ tướng Suga Yoshihide là hạ giá cước viễn thông, trước hết là xuống ngang bằng với quốc tế, hướng đến cạnh tranh trong lĩnh vực 5G với tiêu chí quan trọng là giá cước rẻ.
Việc chạy đua giữa các quốc gia để hoàn thiện mạng lưới 5G thì đã thấy rõ. Còn một yếu tố nữa được báo chí quốc tế nhắc tới đó chính là vấn đề bảo mật trong quá trình xây dựng mạng 5G, đặc biệt ở châu Âu. Tờ Euronews mới đây đăng tải bài viết... Chính phủ Thụy Điển vừa quyết định cấm sử dụng các thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc là Huawei và ZTE để xây dựng mạng 5G.
Động thái này được đưa ra ngay sau những cảnh báo của Chính phủ Anh về việc liên tục xảy ra vấn đề với các hoạt động kỹ thuật và bảo mật của Huawei, đặt ra các rủi ro lâu dài đối với mạng lưới.
Không tin tưởng vào công nghệ 5G của Huawei, hơn 10 nước thuộc Liên minh châu Âu đã tự phát triển các dịch vụ 5G. Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về độ an toàn và khả năng của mạng 5G sẽ như thế nào khi triển khai.
Câu chuyện 5G ở châu Âu
Các nhà mạng Operators Orange, SFR, Bouygues Telecom và Free của Pháp đang đấu thầu 11 khối tần số hiện chưa được sử dụng nhằm cung cấp dịch vụ mạng 5G tại một số thành phố của Pháp vào cuối năm nay. Tuy nhiên mối quan tâm của nhiều người dân Pháp lúc này là liệu sóng 5G có ảnh hưởng đến sức khỏe của họ hay không?
Ông Cédric O - Bộ trưởng Các vấn đề Kỹ thuật số của Pháp cho biết: "Chính phủ sẽ có kế hoạch kiểm soát dành riêng đối với những cột phát sóng 5G để đảm bảo rằng tất cả người dân không bị ảnh hưởng đến sức khỏe".
Quay trở lại hồi tháng 4 năm nay, mạng xã hội tại châu Âu lan truyền tin giả các cột phát sóng 5G tại Anh có thể khiến virus SARS-Cov-2 lây lan nhanh hơn khiến nhiều người đã đốt các cột thu phát sóng. Điều này chứng minh một thực tế rằng dù chính phủ triển khai xây dựng mạng 5G, song thông tin của người dân về loại mạng siêu nhanh này chưa thật đầy đủ.
Ông Thierry Breton - Cao ủy châu Âu phụ trách về Thị trường và Công nghệ nội khối chia sẻ: "Các bạn nên hiểu rằng chúng ta sẽ có thể đổi mới về y học như phẫu thuật từ xa, robot, trí tuệ nhân tạo, bảo mật cho kết nối, ngăn tai nạn và điều phối giao thông, quản lý mạng lưới năng lượng. Tất cả sẽ được quản lý cùng lúc nếu chuyển đổi số diễn ra đồng bộ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!