Du khách nước ngoài đến thăm Cung điện Hoàng gia Thái Lan. Ảnh: Reuters
Mục tiêu tiếp theo của nhiều nước sẽ là tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, sống chung với COVID-19 giống như bệnh cúm mùa.
Từ ¼ tới, Malaysia bắt đầu quá trình chuyển đổi coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và mở cửa biên giới cho khách quốc tế. Với thay đổi này, giới hạn giờ hoạt động với các cơ sở kinh doanh sẽ được dỡ bỏ. Khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không cần phải cách ly khi nhập cảnh Malaysia.
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob phát biểu: "Quá trình chuyển đổi thành bệnh đặc hữu là chiến lược thoát khỏi đại dịch để đưa tất cả chúng ta trở lại cuộc sống gần như bình thường sau hơn 2 năm chống chọi với COVID-19, quá trình chuyển đổi này chỉ là tạm thời trước khi đất nước chính thức bước vào giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu theo các tiêu chí của WHO"
Thái Lan cũng đã thông qua kế hoạch 4 bước chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7. Để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, tỷ lệ tử vong không được vượt quá 0,1%; hiện tỷ lệ này là gần 0,2%.
Lào tổ chức hội chợ ẩm thực quy mô lớn để khuyến khích phát triển du lịch. Nguồn: Đài phát thanh Lào
Trong khi đó, Indonesia cũng đang chuẩn bị lộ trình chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch sang bệnh đặc hữu. Các hoạt động đi lại cũng đã được nới lỏng. Từ đầu tháng 3, Indonesia đã thí điểm du lịch miễn cách ly với khách quốc tế tới đảo Bali và quần đảo Riau.
Trước đó, Singapore là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á chuẩn bị kế hoạch sống chung với COVID-19 từ tháng 8 năm ngoái.
Ông S. Iswaran - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Singapore nói: "Khi chúng ta học cách sống chung với COVID-19 và Omicron, điều cần thiết là chúng ta phải từng bước mở cửa biên giới trên không và trên biển. Những bước này sẽ khôi phục và mở rộng các hành lang du lịch vaccine của chúng ta và đưa biên giới của chúng ta mở lại đúng hướng. Mục tiêu cuối cùng là du lịch không cách ly cho tất cả du khách đã tiêm phòng".
Các quốc gia kỳ vọng các chiến dịch mở cửa, sống chung sẽ giúp thích ứng linh hoạt khi dịch bệnh đã có xu hướng lắng dịu, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong giảm, đồng thời giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!