Cách đây 2 ngày, giới chức y tế thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm biến thể SARS-CoV-2 mới, loại biến chủng virus được phát hiện tại Anh. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh virus tiếp tục lan rộng ở phía Đông và miền Bắc Trung Quốc khi xuất hiện thêm ở 2 tỉnh Sơn Đông và Sơn Tây.
Lo ngại biến thể virus lây lan rất nhanh, ngay lập tức, hơn 1,7 triệu dân tại quận Đại Hưng ở thủ đô Bắc Kinh đã bị phong tỏa và khu vực này được đưa thành vùng nguy cơ cao nhất. Chỉ trong một tuần, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 750 ca dương tính và nhiều ca không có triệu chứng.
Hơn 1,7 triệu dân tại quận Đại Hưng ở thủ đô Bắc Kinh đã bị phong tỏa. (Ảnh: AP)
Năm ngày là khoảng thời gian để giới chức Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng bệnh viện dã chiến 1.500 phòng ở tỉnh Hà Bắc. Đây là một trong 6 bệnh viện dã chiến được xây dựng "thần tốc" nhằm chuẩn bị đối phó với số ca bệnh có thể tăng từ nay cho đến sau Tết nguyên đán sắp tới. Với phương pháp lắp ghép các khối đúc sẵn, những bệnh viện đặc biệt này sẽ giúp giới chức Trung Quốc dễ dàng điều trị và cách ly bệnh nhân cho đến khi dịch được khoanh vùng kiểm soát.
Chạy đua với thời gian cũng là sứ mệnh của lực lượng cứu hộ Indonesia khi họ phải nhanh chóng sơ tán, tìm kiếm những nạn nhân của các trận động đất và dư chấn kéo dài từ ngày 14 đến tối qua 21/1 tại nhiều địa phương. Số nạn nhân thương vong tính đến thời điểm này là hơn 900 người và con số này vẫn tiếp tục tăng do nhiều người còn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Chưa dừng lại ở đó, lũ lụt, sạt lở đất và sóng cao khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Hàng chục nghìn người đã phải sơ tán để bảo toàn tính mạng
Động đất ở Indonesia đã khiến hơn 900 người thương vong. (Ảnh: AP)
Bên kia bờ Thái Bình Dương, nước Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 46 với những yêu cầu chưa từng có. Giới chức Mỹ phải huy động 25.000 lính Vệ binh Quốc gia tới thủ đô Washington D.C. Việc điều tra lý lịch các binh sỹ để chắc chắn không có âm mưu tấn công cũng được tiến hành thật nhanh để kịp sự kiện. Có lẽ hiếm có lễ nhậm chức nào mà lực lượng an ninh, hàng rào và chốt kiểm tra số lượng lớn lại được triển khai trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của tân Tổng thống Joe Biden. (Ảnh: AP)
Từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19 đang được tăng tốc không ngơi nghỉ nhằm kiềm chế đại dịch càng sớm càng tốt. Dù còn đối mặt với việc thiếu nguồn cung và người dân đôi lúc còn chần chừ nhưng hơn 40 triệu liều vaccine đã được thực tiêm trên toàn thế giới.
Dù chương trình tiêm vaccine đang được đẩy nhanh tiến độ ở các quốc gia có thu nhập cao, đối với phần lớn thế giới còn lại, mọi thứ dường như không được lạc quan. Mặc dù một số quốc gia có thu nhập trung bình đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine nhưng phải mất nhiều năm nữa mới có thể tiêm chủng rộng rãi. Với các nước có thu nhập thấp, con đường này còn gập ghềnh và kéo dài hơn.
Việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: AP)
Trong đà chạy hết tốc lực triển khai vaccine, trong tuần qua cũng có một diễn biến khiến thế giới cần dừng lại xem xét, không phải nhanh là tốt. Đó là kể từ khi Na Uy bắt đầu chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19 vào cuối tháng 12/2020, nước này có tới 33 ca tử vong trong số những người cao tuổi được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Giới chức y tế nêu rõ, 13 trường hợp được phân tích chi tiết đều là những người cao tuổi, sức khỏe yếu và mắc các bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, giới chức nước này cũng khuyến cáo, các bác sĩ cần cân nhắc tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi lựa chọn tiêm cho ai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!