Mang theo một chương trình nghị sự với nhiều vấn đề, nhưng mục tiêu cao nhất mà ông Modi muốn đạt được lần này chính là một hiệp ước thương mại với Mỹ. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa tìm thấy lối thoát, một thỏa thuận thương mại giữa Washington và New Dehli là điều mà giới chức cả hai nước đang hết sức chờ đợi, coi đây như thời cơ để hai bên đạt được những mục tiêu chiến lược của mình.
Ấn Độ là một nền kinh tế lớn, nhưng kim ngạch thương mại với Mỹ trong năm 2018 đạt chưa đến 150 tỷ USD, quá khiêm tốn nếu so với kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (hơn 700 tỷ USD). Các doanh nghiệp và giới chức kinh tế Ấn Độ đang rất mong chờ nước này có thể làm một điều gì đó nhằm chớp thời cơ trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ với Trung Quốc chưa nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm".
Kỳ vọng càng gia tăng khi mới đây hãng cung ứng và lắp ráp cho Apple là Foxconn đã quyết định mở rộng các dây chuyền sản xuất iPhone tại Ấn Độ nhằm tránh mức thuế 20% Washington áp lên Bắc Kinh. Theo trang mạng vùng Vịnh ngày 24/9, để làm được điều đó, trước hết ông Modi sẽ phải hóa giải những khúc mắc với Mỹ. Tổng thống Trump mới đây đã xóa bỏ ưu đãi thuế quan đối với 5,7 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ, cho rằng các chính sách thương mại mà Ấn Độ dành cho Mỹ là chưa công bằng.
Tổng thống Trump muốn Ấn Độ phải hạ thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trong các lĩnh vực như: y tế, điện tử, nông nghiệp, đồng thời sửa đổi luật nhằm tạo điều kiện tốt hơn các công ty công nghệ Mỹ thâm nhập thị trường. Với những gì Tổng thống Trump dành cho ông Modi tại Mỹ, người ta cho rằng cơ hội để hai nước đạt một thỏa thuận thương mại chưa bao giờ gần hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!