Mỹ dành 7 tỷ USD cho dự án năng lượng mặt trời

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 24/04/2024 07:00 GMT+7

VTV.vn - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố khoản tài trợ liên bang trị giá 7 tỷ USD cho các dự án năng lượng mặt trời nhằm phục vụ các cộng đồng có thu nhập thấp và trung bình.

Khoản tài trợ 7 tỷ USD cho dự án năng lượng mang tên "Năng lượng mặt trời cho tất cả" đã được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ thông qua. Dự kiến dự án này sẽ tạo ra 200.000 việc làm và tiết kiệm cho các hộ gia đình trong chương trình khoảng 400 USD mỗi năm.

Năng lượng mặt trời đang được chú ý như một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng có thể làm giảm sự phụ thuộc của quốc gia vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt ban đầu cao khiến nhiều người Mỹ không thể tiếp cận được năng lượng mặt trời. Khoản đầu tư này của Chính phủ Mỹ sẽ giúp các gia đình thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận được năng lượng sạch với giá cả phải chăng, cũng như có khả năng cao phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái.

Nhiều quốc gia và khu vực đang cho thấy nỗ lực trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, nhưng thực tế cho thấy tiến trình này còn vấp phải nhiều khó khăn.

Tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock cho rằng tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh trên thế giới cần khoản đầu tư lên tới 4.000 tỷ USD/năm vào giữa những năm 2030. Trong báo cáo "Kịch bản chuyển đổi đầu tư" mới nhất, BlackRock nhận định rằng để đạt được mức đầu tư này cần tăng cường vốn trong các lĩnh vực công và tư.

Cũng theo dữ liệu của BlackRock, trong năm 2023, 1.800 tỷ USD đã được đầu tư cho các dự án liên quan đến chuyển đổi năng lượng. Nếu so với mức 33 tỷ USD trong năm 2004, tốc độ tăng trưởng và lượng vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo đang đi đúng hướng. Dù khoản đầu tư trên toàn cầu gia tăng nhưng vẫn chưa đủ để có thể đạt được mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh vào năm 2030.

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhìn thấy cơ hội tại các thị trường phát triển và mới nổi.

Mỹ dành 7 tỷ USD cho dự án năng lượng mặt trời - Ảnh 1.

(Ảnh: CCSA)

Là nơi sinh sống của 50% dân số thế giới và đóng góp 1/3 vào GDP toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận định là trung tâm của cơ hội đầu tư năng lượng tái tạo và sẽ trở thành khu vực dẫn đầu toàn cầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Giữa nắng gió khắc nghiệt của sa mạc Kutch ở bang Gujarat của Ấn Độ, hàng nghìn công nhân đang dựng lên những tấm pin mặt trời khổng lồ, đào móng cho turbine điện gió và đặt những cuộn dây dường như dài vô tận. Họ đang xây dựng Công viên Năng lượng tái tạo Khavda - dự án được coi là công viên năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới.

Khi hoàn thành vào năm 2027, Khavda sẽ có diện tích 726 km2 - gần bằng diện tích của thành phố New York. Công viên dự kiến có khả năng tạo ra 30 gigawatt năng lượng mặt trời và gió, đủ để cung cấp cho 18 triệu người, tức là còn nhiều hơn tổng dân số của London và New York cộng lại.

Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới và là nước phát thải carbon lớn thứ 3 thế giới - đặt mục tiêu tăng sản lượng năng lượng tái tạo lên 500 gigawatt vào năm 2030.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thị trường sản xuất điện và năng lượng tái tạo lớn nhất hiện nay và cũng là thị trường đa dạng nhất. Mức độ giàu có, trữ lượng hydrocarbon, thực tế chính trị và tiềm năng năng lượng tái tạo khác nhau của các quốc gia đã biến khu vực này thành một chiếc kính vạn hoa với những hoàn cảnh độc đáo. Dù vậy, các quốc gia đều đang hành động khẩn trương và có trách nhiệm nhằm đáp lại lời kêu gọi chuyển đổi xanh.

Theo kịch bản cơ bản của Công ty tư vấn nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie, tại châu Á - Thái Bình Dương, nguồn cung năng lượng carbon thấp hiện chiếm 35% sản lượng điện và dự báo sẽ tăng lên 75% vào năm 2050, trong khi tỷ lệ năng lượng gió và năng lượng mặt trời tăng đến hơn 54%.

Sự tăng trưởng nhanh chóng về năng lượng tái tạo này sẽ đi kèm với việc áp dụng phương pháp lưu trữ năng lượng, hydro, lò phản ứng hạt nhân module nhỏ và công nghệ địa nhiệt. Đến năm 2050, gần 50% cơ hội công nghệ mới về phát thải carbon thấp trên thế giới được cho là sẽ diễn ra ở châu Á - Thái Bình Dương.

Đầu tư vào năng lượng mặt trời lần đầu tiên vượt dầu mỏ Đầu tư vào năng lượng mặt trời lần đầu tiên vượt dầu mỏ Công suất năng lượng tái tạo của thế giới tăng 50% vào năm 2023 Công suất năng lượng tái tạo của thế giới tăng 50% vào năm 2023 Liên minh châu Âu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh Liên minh châu Âu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước