Kế hoạch hỗ trợ sẽ kéo dài đến năm 2026 với mục tiêu sản xuất 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Đây là bước đi mới nhất của châu Âu nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh.
Theo trang tin Năng lượng xanh Balkan, Hội đồng châu Âu đã phê duyệt các đề xuất nhằm rút ngắn và đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho việc triển khai năng lượng tái tạo.
Theo đó, các nước thành viên sẽ chỉ định những khu vực có ít nguy cơ về môi trường hơn để triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Đó sẽ là những nơi thủ tục cấp phép được đơn giản hóa. Dù vậy, các quốc gia vẫn phải có những biện pháp giảm thiểu tác động tới môi trường cho những khu vực đó. Việc triển khai năng lượng tái tạo sẽ được đánh giá theo tác động môi trường của cả khu vực, thay vì của từng dự án riêng lẻ.
Hội đồng châu Âu cho biết, các quốc gia thành viên cần chỉ định các khu vực thích hợp trong vòng 30 tháng. Việc cấp phép cho các dự án mới giảm xuống còn tối đa 12 tháng sau khi đánh giá tác động môi trường, hoặc tối đa 2 năm với điện gió ngoài khơi.
Trong năm nay, có 26 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã triển khai nhiều năng lượng mặt trời hơn so với năm trước. Euronews đưa tin, công suất năng lượng mặt trời tại Liên minh châu Âu đã tăng kỷ lục trong năm 2022 lên tới 41,4 GW - tăng 47% so với 28,1 GW công suất lắp đặt của năm 2021.
Báo cáo mới công bố của Solar Power Europe - tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp năng lượng mặt trời châu Âu - cho thấy Đức vẫn là thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất ở châu Âu trong năm 2022 với 7,9 GW, tiếp theo là Tây Ban Nha, Ba Lan, Hà Lan và Pháp. Theo dự báo, thị trường năng lượng mặt trời châu Âu sẽ vượt quá 50 GW công suất mới vào năm sau.
Trang Politico khẳng định năng lượng sạch là lối thoát duy nhất khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Tác giả bài viết nhận định, việc chuyển đổi hệ thống năng lượng của châu Âu giúp giải quyết ba vấn đề quan trọng là cắt giảm hóa đơn năng lượng, đảm bảo nguồn cung và hành động trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, để đạt được những giải pháp thực sự, các nhà hoạch định chính sách trên khắp châu Âu cần phải là đối tác tích cực trong công cuộc này. Quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi sự đồng bộ của chính sách và thực tiễn.
Chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh
Ưu tiên thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh nền kinh tế của Liên minh châu Âu đã và đang được triển khai từ nhiều năm nay, với hàng loạt sáng kiến, trọng tâm là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thay thế nguyên liệu hóa thạch.
Các nước châu Âu đã đầu tư ồ ạt phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, sản xuất hydro xanh thay thế khí tự nhiên, than đá, hay khí hóa lỏng vốn gây phát thải khí nhà kính, đồng thời, chú trọng phát triển các dự án điện hạt nhân cỡ nhỏ, tiếp tục gia hạn hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân sẵn có và coi điện nguyên tử là nguồn năng lượng xanh, không gây phát thải.
Mới đây nhất, 27 thành viên của Liên minh châu Âu đã thống nhất cải cách thị trường carbon của khối, đánh dấu bước tiến lớn trong việc thúc đẩy tham vọng thoát khỏi năng lượng gây ô nhiễm và đầu tư vào các giải pháp xanh. Theo đó, từ ngày 16/12, các nước EU nâng mục tiêu cắt giảm khí thải ở các ngành trong hệ thống thương mại khí thải châu Âu lên 62% vào năm 2030.
Thách thức đối với chuyển đổi xanh tại châu Âu
Công suất năng lượng mặt trời tại các nước châu Âu trong năm 2022 đã tăng 47% so với năm 2021. Một kỷ lục mới. Tuy nhiên, nguồn điện tái tạo chưa thể bù đắp được điện năng từ hàng chục nghìn nhà máy phát điện sử dụng nguyên liệu hoá thạch trên khắp châu Âu, đấy là chưa kể nhu cầu năng lượng của quá trình phục hồi và tái thiết nền kinh tế sau đại dịch tại châu Âu đang tăng.
Việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo ở các nước châu Âu không đồng đều do sự chênh lệch về hạ tầng tiếp nhận năng lượng ở mỗi gia. Đức là thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất ở châu Âu trong năm 2022, tiếp theo là Tây Ban Nha, Ba Lan, Hà Lan và Pháp.
Trong dài hạn, các dự án năng lượng tái tạo của châu Âu có thể bị trì hoãn, một số dự án thậm chí phải tạm dừng vận hành do thiếu thiết bị, vật tư thay thế bởi nguyên nhân gốc rễ là châu Âu đang phụ thuộc nguồn cung các loại vật liệu thô quan trọng như chất bán dẫn, Niken, vốn được dùng để sản xuất các thiết bị, vật tư cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!