Đại diện của Mỹ, Iran cùng các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân đang có mặt tại thủ đô Vienna của Áo. Cuộc gặp được đánh giá là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, sau gần 3 năm Mỹ rút khỏi.
Họp mặt tại Áo, nhưng Iran từ chối đàm phán trực tiếp với các đại diện của Mỹ. Cả hai bên sẽ thảo luận riêng với các hòa giải viên nhằm mục đích tìm ra cách thức cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Đặc phái viên của Mỹ về Iran Rob Malley, một cựu quan chức thời chính quyền Barack Obama sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán của Mỹ. Phía Mỹ dự báo khó khăn trong đàm phán lần này.
"Chúng tôi không hề đánh giá thấp những thách thức trước mắt, đây mới là những ngày đầu. Chúng tôi không dự đoán sẽ ngay lập tức hoặc sớm có một bước đột phá vì chúng tôi dự trù được rằng các cuộc thảo luận này sẽ hết sức khó khăn", ông Ned Price - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Về phía Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Saeed Khatibzadeh tuyên bố, kết quả cuộc đàm phán ở Vienna nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, sẽ phụ thuộc vào các bên châu Âu có thuyết phục được Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran hay không. "Liệu cuộc họp có đem lại kết quả hay không sẽ phụ thuộc vào các bên châu Âu và cũng như nhóm 4+1 nói chung (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) kêu gọi Mỹ thực thi nghĩa vụ và hành động theo cam kết của họ. Chúng tôi chỉ thấy 1 con đường, đó là Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt".
Hiện châu Âu đang nỗ lực để đưa chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trở lại thỏa thuận hạt nhân, sau khi người tiền nhiệm Donald Trump rút khỏi thỏa thuận này hồi năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố sẵn sàng đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân đã mang lại tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, cả Mỹ và Iran vẫn đang tranh cãi việc bên nào phải hành động trước để cứu vãn thỏa thuận này. Iran cho rằng Mỹ nên dỡ bỏ trừng phạt trước, trong khi Mỹ muốn Iran ngừng các hành động đáp trả mà Washington cho là vi phạm thỏa thuận trước.
Iran vẫn đang gửi thông điệp cứng rắn tới chính quyền mới của Mỹ
Tháng 1 đầu năm nay, Iran đã khởi động quá trình làm giàu urani cấp độ 20% như một phần trong kế hoạch nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt. Theo đó, Iran sẽ sản xuất 120kg urani làm giàu ở cấp độ 20% trong vòng một năm, phá xa giới hạn làm giàu trong thỏa thuận hạt nhân.
Iran cũng thu hẹp chương trình giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), hạn chế các thanh sát viên quốc tế tiếp cận những cơ sở hạt nhân của nước này. Chính quyền Tehran sau đó tuyên bố sẽ đáp trả thích hợp nếu IAEA ra nghị quyết lên án Iran theo đề xuất của Mỹ.
Một cơ sở làm giàu urani của Iran. Ảnh: AP
Một báo cáo gần đây IAEA cho biết, Iran đã lắp đặt một loạt máy ly tâm hiện đại ở nhà máy Natanz dưới lòng đất nhằm mở rộng khả năng làm giàu urani.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho rằng, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran vẫn tồn tại và được cải thiện từng ngày. Trong khi đó, sự ủng hộ không ngừng nghỉ của họ với các lực lượng mà Mỹ cho là "các nhóm khủng bố trong khu vực" vẫn là một vấn đề nghiêm trọng.
Cũng cần lưu ý là, sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, Nhà Trắng đã có một số động thái tích cực với Iran. Có thể kể đến việc hủy bỏ quyết định khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran, dỡ bỏ lệnh cấm đi lại nhằm vào giới chức Iran tại New York, đồng thời thể hiện quan điểm muốn tham gia trở lại thỏa thuận. Nhưng quan trọng nhất là hiện Mỹ vẫn giữ các lệnh trừng phạt kinh tế. Phía Iran cho rằng chính điều này chưa đủ sức thuyết phục lòng tin của Iran.
Các chuyên gia nhận định rằng cuộc họp tại Áo ngày 6/4 sẽ chỉ là sự khởi đầu cho các cuộc đàm phán marathon sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!