Đây là một kim loại quan trọng để sản xuất pin xe điện, phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, để đi vào khai thác mỏ kim loại này, có thể dẫn tới nguy cơ làm tuyệt chủng một loài hoa dại mọc xung quanh.
Vùng sa mạc khô cằn có diện tích bằng khoảng 5 lần sân bóng đá tại bang Nevada là nơi sinh sống duy nhất của loài hoa kiều mạch Tiehm. Năm 2022, loài hoa này đã được Mỹ đưa vào danh sách những thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Điều trớ trêu là nơi sinh sống của loài hoa này lại ngay gần khu vực một mỏ Lithium có trữ lượng lớn nhất khu vực Bắc Mỹ.
Ông Patrick Donnelly - Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học Great Basin - cho rằng: "Kế hoạch khai thác mỏ có thể phá hủy 22% môi trường sống quan trọng của kiều mạch Tiehm. Cơ quan quản lý Cá và Động vật hoang dã đã xác định vùng đất quanh đây rất thiết yếu đối với việc bảo tồn loài hoa này. Vì vậy, việc 22% môi trường sống bị ảnh hưởng là một vấn đề lớn".
Hiện nay, chống biến đổi khí hậu là một mục tiêu được chính quyền Mỹ rất quan tâm. Một trong các giải pháp chính được đưa ra là phát triển hệ thống xe điện không phát thải. Lithium lại là một thành phần quan trọng để sản xuất pin xe điện. Cơ quan năng lượng quốc tế dự báo, không chỉ tại Mỹ, nhu cầu lithium toàn cầu có thể tăng tới 7 lần vào năm 2030.
Ông Bernard Rowe - nhà địa chất, Giám đốc công ty Ioneer - cho biết: "Lượng lithium mà chúng tôi sẽ sản xuất khu vực này có thể tới 22.000 tấn lithium carbonat mỗi năm, sẽ đủ cung cấp để sản xuất pin cho 370.000 xe điện. Công suất như thế này sẽ được duy trì trong 26 năm đầu tiên từ khi dự án được vận hành".
Hiện nay, về phía công ty khai thác khoáng sản đã đầu tư khoản kinh phí lên tới 2,5 triệu USD để nghiên cứu bảo tồn loài hoa này. Cây đang cho thấy sự phát triển tốt trong nhà kính. Một số nhà sinh vật học cho rằng nó có thể tiếp tục được nhân giống và trồng lại.
Ông Josh Dini - người dân Bộ lạc Walker River Paiute, bang Nevada, Mỹ - cho rằng: "Sẽ không thực sự là năng lượng xanh khi bạn phải phá hủy đất đai, nước, không khí và môi trường tự nhiên khi tiến hành hoạt động khai thác. Giải pháp trọn vẹn nhất là khu mỏ và loài hoa này có thể cùng tồn tại".
Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Mỹ, quốc gia này sở hữu khoảng 3% trữ lượng lithium thế giới, tuy nhiên mức sản xuất chưa đến 2% sản lượng hàng năm toàn cầu. Thực tế cho thấy trong vài thập kỷ qua, có nhiều dự án khai thác tại Nevada được đề xuất nhưng chỉ có một mỏ vượt qua được quá trình cấp phép.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!