Diễn ra trong ba ngày, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi bao gồm Ngày Xã hội dân sự (ngày 13/12), Ngày Doanh nghiệp (ngày 14/12) và Ngày Các nhà lãnh đạo (15/12).
Trong khuôn khổ Ngày Doanh nghiệp sẽ có Diễn đàn Doanh nghiệp Mỹ - châu Phi. Diễn đàn sẽ chú trọng thúc đẩy hợp tác đầu tư và trao đổi thương mại hai chiều nhằm tăng cường vai trò của châu Phi trong nền kinh tế toàn cầu.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Phi dự kiến sẽ công bố các sáng kiến mới nhằm tăng cường sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Khu vực thương mại tự do châu Phi, cũng như các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế châu Phi từ đại dịch COVID-19, thúc đẩy an ninh lương thực và tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, y tế và năng lượng tái tạo của châu lục.
Bà Karine Jean-Pierre - Thư ký báo chí của Nhà Trắng cho biết: "Hội nghị thượng đỉnh này sẽ nhấn mạnh giá trị mà Mỹ đặt ra trong sự hợp tác với châu Phi trước những thách thức và cơ hội toàn cầu cấp bách nhất, cũng như cam kết của chính quyền Tổng thống Biden trong việc khôi phục các quan hệ đối tác và liên minh toàn cầu. Chúng tôi mong muốn thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan ở châu Phi và Mỹ để minh họa bề rộng và chiều sâu của quan hệ đối tác của Mỹ với các chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức và công dân châu Phi - quan hệ đối tác dựa trên đối thoại, tận dụng sức sáng tạo của người dân".
Mỹ đang tìm cách cân bằng ảnh hưởng tại vùng đất châu Phi
Như vậy là sau 8 năm kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi đầu tiên, ngày mai, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức hội nghị thứ hai. Nhiều chuyên gia nhận định, kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang bị tụt hậu so với Trung Quốc tại châu Phi.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần thứ nhất năm 2014, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã cam kết làm cho quan hệ đối tác giữa các bên sâu sắc hơn. Hội nghị này đã công bố các cam kết của khu vực tư nhân đầu tư và tăng hợp tác với các nước châu Phi trong các sáng kiến trong nhiều lĩnh vực. Khi đó, năm 2014, Tổng thống Barack Obama đã công bố khoản đầu tư trị giá 33 tỷ USD với kỳ vọng giúp thúc đẩy sự phát triển của châu Phi và hỗ trợ hàng chục nghìn việc làm cho người Mỹ.
Nhưng cũng từ đó tới nay, Trung Quốc đã liên tục vượt qua Washington để trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở châu Phi. Trong khi đó, Nga cũng ngày càng phô trương sức mạnh tại "lục địa đen".
Sau chính quyền của Tổng thống Donald Trump, người đã không bày tỏ sự quan tâm đối với châu Phi, đến lượt chính quyền Tổng thống Joe Biden bị chỉ trích là đã lơ là châu lục này.
Trên thực tế, châu Phi là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và là thị trường nhiều tiềm năng. Trước thực tế đó, cùng những thách thức từ các cường quốc khác, chính quyền Biden đang phải tìm cách cân bằng ảnh hưởng tại vùng đất châu Phi. Điều này đã được thể hiện qua chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 8 vừa qua.
Ông Antony Blinken - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nói: "Điều chúng tôi tìm kiếm trước hết là mối quan hệ đối tác thực sự giữa Mỹ và châu Phi. Sức khỏe, khí hậu, cơ sở hạ tầng, thương mại, đó là những vấn đề quan trọng đối với sự thịnh vượng của các quốc gia, đối với an ninh và sức mạnh của nền kinh tế, nhưng đặc biệt là đối với hạnh phúc của người dân chúng ta".
Chiến lược mới của Mỹ sẽ tập trung vào ba ưu tiên: Thúc đẩy thương mại Mỹ trên khắp lục địa, tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố và bảo đảm các khoản viện trợ của Mỹ được sử dụng hiệu quả nhất.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần này mang đến những cơ hội tuyệt vời nhưng cũng đặt ra những thách thức. Đây là cơ hội để cho châu Phi thấy rằng Mỹ thực sự muốn lắng nghe họ. Nhưng khác với 8 năm trước, giờ đây, châu Phi mang theo kỳ vọng cao hơn. Câu hỏi được đặt ra là điều gì sẽ khác so với 8 năm trước, sẽ có những cam kết cụ thể nào được đưa ra. Câu trả lời phải đợi vài ngày nữa khi sự kiện kết thúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!