Mỹ - NATO thiết lập lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương từng rạn nứt

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 19/02/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Mỹ và các đồng minh NATO mong muốn thiết lập lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương từng rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Các Bộ trưởng quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 18/2 tiếp tục nhóm họp trực tuyến nhằm thảo luận về tương lai của khối, trong đó có Sáng kiến NATO 2030.

Tại cuộc họp báo sau ngày họp đầu tiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhắc tới kế hoạch hiện đại hóa và cải tổ liên minh với tầm nhìn của NATO đến năm 2030. Trong đó có các lĩnh vực mà NATO cần cải thiện trong trung hạn như tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ, đảm bảo chia sẻ chi tiêu công bằng hơn, giữ vững lợi thế về công nghệ và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO nói: "Phối hợp chính trị giữa các đồng minh là một lĩnh vực quan trọng của Sáng kiến NATO 2030. Sử dụng NATO nhiều hơn như một nền tảng để tham vấn và phối hợp. Đồng thời, chúng ta cần tăng cường hợp tác chính trị để bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ vốn bị làm xói mòn bởi các quốc gia không chia sẻ các giá trị của chúng ta như Nga và Trung Quốc".

Nhưng dù vạch ra tầm nhìn tương lai gì, thì thách thức trước mắt vẫn là những vấn đề nội bộ, trong đó có cải thiện quan hệ với Mỹ.

Mỹ - NATO thiết lập lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương từng rạn nứt - Ảnh 1.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: NATO)

Ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh: "Không thể phủ nhận rằng trong 4 năm qua, Mỹ và NATO đã phải đối mặt với các cuộc thảo luận khó khăn ngay trong nội bộ. Nhưng giờ là lúc để nhìn về tương lai. Và tương lai đó là việc hiện có một chính quyền ở Mỹ cam kết mạnh mẽ đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, với NATO, với châu Âu và Bắc Mỹ cùng hợp tác. Tôi hoan nghênh điều đó. Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Biden hai lần kể từ cuộc bầu cử và trong cả hai cuộc trò chuyện đó, ông ấy nhấn mạnh rất rõ ràng về tầm quan trọng của việc xây dựng lại các liên minh và củng cố hơn nữa NATO".

Dự kiến các nhà lãnh đạo NATO sẽ xem xét các đề xuất cải tổ trên tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Hội nghị Bộ trưởng NATO lần này cũng bàn thảo kế hoạch NATO rút khỏi Afghanistan trước thời hạn chót 1/5 mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cam kết trước đó. Đây sẽ là phép thử hợp tác trong mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh trong NATO. Cả NATO hay Mỹ hiện đều đối mặt với một câu hỏi chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng là làm thế nào rút quân ra khỏi Afghanistan mà không khiến quốc gia này một lần nữa trở thành "thiên đường" của chủ nghĩa khủng bố.

Hai bên đang tìm kiếm một khởi đầu mới. Nhưng nhiệm vụ trước mắt là giải quyết các bất đồng được đánh giá là khá căng thẳng dưới thời chính quyền Donald Trump. Khác với các bình luận mang tính đối đầu và chỉ trích như dưới thời chính quyền tiền nhiệm, trước thềm hội nghị, các quan chức quốc phòng Mỹ đã cho thấy quan điểm tích cực và xây dựng trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách mà liên minh này đang đối mặt. Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ Lloyd Austin đã đưa ra dấu hiệu cho thấy muốn tập trung vào việc cố gắng khôi phục mối quan hệ của Mỹ với Liên minh châu Âu, đồng thời đảm bảo cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh.

Mỹ - NATO thiết lập lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương từng rạn nứt - Ảnh 2.

Binh sĩ Mỹ lên máy bay vận tải C-17 - Ảnh: Reuters

Hàn gắn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Trong lần họp này, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã thảo luận về tiến trình hướng tới chia sẻ gánh nặng công bằng hơn. Khi NATO nói về chia sẻ gánh nặng và tăng ngân sách quốc phòng, thì không phải là các nước thành viên phải tăng đóng góp cho quỹ chung, mà là mỗi nước tăng chi tiêu quân sự của nước mình. Năm nay sẽ là năm thứ 7 liên tiếp, các nước châu Âu và Canada tăng chi tiêu quốc phòng. Kể từ năm 2014, các nước châu Âu thành viên NATO và Canada đã tăng ngân sách quân sự thêm 190 tỷ USD. Dự kiến trong năm nay, 24 nước đồng minh NATO sẽ dành ít nhất 2% tổng sản phẩm nội địa cho quốc phòng của mình, trong đó chủ yếu dành để đầu tư vào các trang thiết bị mới.

Về sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại châu Âu, liệu kế hoạch rút 12 nghìn quân của Mỹ có được hoãn lại?

Tổng thống mới của nước Mỹ đã tuyên bố đầu tháng này là tạm ngưng kế hoạch rút bớt quân Mỹ đang đồn trú tại châu Âu, để suy ngẫm kỹ lưỡng hơn về vai trò của quân đội Mỹ trong bối cảnh thế giới mới. Tuyên bố này được NATO và Đức hoan nghênh, vì cho rằng quân Mỹ đồn trú ở châu Âu là cần thiết để bảo vệ các nước Baltic và Ba Lan, Mỹ duy trì căn cứ không quân tại Đức thì cũng dễ dàng từ đó mà can thiệp khi cần tại khu vực Trung Cận đông. Tuy nhiên, phía châu Âu không ảo tưởng là mọi chuyện rồi sẽ quay trở lại như trước đây. Xu hướng tự chủ hơn về quốc phòng ngày càng trở nên rõ ràng hơn, những rạn nứt do Tổng thống mãn nhiệm của Mỹ tạo ra không thể hàn gắn hết được.

Chính quyền của Tổng thống Biden đang có cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại khác với chính quyền tiền nhiệm, đó là sẽ lắng nghe và tham vấn nhiều hơn với các đồng minh và đối tác của Mỹ. Điều này cũng có thể tạo nên một sự khác biệt lớn giúp NATO giải quyết hiệu quả các thách thức hiện nay.

Tân Ngoại trưởng Mỹ hối thúc các thành viên NATO tăng ngân sách quốc phòng Tân Ngoại trưởng Mỹ hối thúc các thành viên NATO tăng ngân sách quốc phòng Mỹ khẳng định các cam kết với NATO Mỹ khẳng định các cam kết với NATO Mỹ, NATO sẽ rút binh sỹ khỏi Afghanistan Mỹ, NATO sẽ rút binh sỹ khỏi Afghanistan

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước