Mỹ nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề trần nợ công

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 17/05/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Cuộc thảo luận về vấn đề trần nợ công của Mỹ giữa Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo Quốc hội vừa được nối lại.

Đàm phán nâng trần nợ công là cuộc tranh cãi quen thuộc của các nhà lập pháp thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ. Nếu hai bên không thể đi đến thống nhất về việc đình chỉ hoặc tăng trần nợ, thì chính phủ liên bang sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ đối với các khoản vay của mình.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã cảnh báo, nước này có thể hết ngân sách để trang trải các hóa đơn, sớm nhất từ ngày 1/6 tới.

Về mặt kỹ thuật, Mỹ đã chạm trần nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng 1 năm nay. Theo luật của Mỹ, trần nợ công là mức trần pháp lý về số tiền mà Chính phủ Mỹ có thể vay. Mỗi khi khối nợ của Chính phủ Mỹ đạt đến mức trần, việc tăng trần nợ công sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội và cần phải đạt được sự ủng hộ của cả Thượng viện và Hạ viện.

PGS. Ryan Brewer - Chuyên ngành Tài chính, Đại học Indiana, Mỹ: "Hệ thống trần nợ đã được áp dụng từ khi Quốc hội Mỹ ban hành năm 1917. Kể từ thời điểm đó, trần nợ đã được nâng lên khoảng 100 lần và hạ xuống 5 lần".

Đa số những lần nâng trần nợ của Mỹ đều diễn ra suôn sẻ, tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt là những năm gần đây, cuộc đàm phán nâng trần nợ trở thành một chu kỳ nguy hiểm khi bị vũ khí hóa. Đảng không nắm giữ quyền lực tại Nhà Trắng hoặc chiếm thiểu số trong Quốc hội Mỹ thường tận dụng vấn đề này làm đòn bẩy đàm phán, nhằm tìm kiếm các nhượng bộ chính sách hoặc phát đi thông điệp chính trị. Các cuộc đàm phán về nâng trần nợ do vậy thường kéo dài và căng thẳng, và bất kỳ tính toán sai lầm nào của các nhà lập pháp đều có thể khiến Chính phủ Mỹ đối mặt với rủi ro vỡ nợ.

Mỹ nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề trần nợ công - Ảnh 1.

Kể từ năm 1960 tới nay, Quốc hội Mỹ đã thực hiện 78 lần nâng trần nợ công và không phải lần nào cũng diễn ra suôn sẻ. (Nguồn: Yahoo News)

Hồi năm 2011, các đảng viên Cộng hòa chỉ chấp thuận tăng trần nợ cho đến khi Tổng thống Obama đồng ý cắt giảm chi tiêu chỉ khoảng 1 ngày trước thời điểm vỡ nợ được dự báo của chính phủ liên bang. Xếp hạng tín nhiệm của Mỹ bị hạ thấp và chi phí đi vay của chính phủ nước này tăng thêm 1,3 tỷ USD trong năm 2012.

GS. Betsey Stevenson - Chuyên ngành Kinh tế, Đại học Michigan, Mỹ: "Một trong những điểm tệ nhất của việc tranh cãi về trần nợ và giảm chi tiêu, đó là nếu xảy ra tình trạng vỡ nợ, hoặc thậm chí chỉ là với mối đe dọa vỡ nợ như hiện nay thôi, thì cũng làm tăng chi tiêu của chính phủ. Bởi vì điều này có khả năng làm tăng chi phí đi vay của Mỹ. Chúng ta đã thấy điều đó vào năm 2011, cuộc tranh cãi trần nợ kéo dài đã làm chi phí đi vay của Mỹ tăng rất nhiều".

Cuộc đàm phán hiện nay cũng đang lâm vào bế tắc tương tự như năm 2011. Trong khi Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ mong muốn nâng trần nợ vô điều kiện thì các nghị sỹ đảng Cộng hòa lại đưa ra điều kiện nâng trần nợ công là cắt giảm chi tiêu công 4.800 tỷ USD.

Rủi ro từ nguy cơ Mỹ vỡ nợ

Nếu Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ công vào cuối tháng này, thì Chính phủ Mỹ có thể bước vào giai đoạn cạn tiền, hết ngân sách để trang trải các hóa đơn nợ. Vậy viễn cảnh Mỹ vỡ nợ sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế số 1 thế giới, cũng như đến kinh tế toàn cầu?

PGS. Ryan Brewer cho rằng: "Nếu Mỹ vỡ nợ thì sẽ kéo theo một loạt các vấn đề, điều này sẽ bao gồm các cuộc tranh đấu nội bộ để chi trả cho các dự án an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, dịch vụ y tế và nhân đạo, các dự án của cựu chiến binh và các dự án quân sự. Việc vỡ nợ cũng sẽ gây ra một đợt sóng gió trên thị trường tài chính, dẫn đến sự hỗn loạn cho các tập đoàn, các hộ gia đình, người lao động và những người sử dụng lao động. Không nâng trần nợ sẽ gây ra tất cả các loại vấn đề mà Mỹ không muốn đối mặt".

Mỹ nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề trần nợ công - Ảnh 2.

GS. Garrett Epps - Chuyên ngành Luật, Đại học Oregon, Mỹ: "Kết quả của vỡ nợ sẽ là thảm họa về kinh tế có thể nhận thấy ngay lập tức - theo ước tính tổng sản phẩm quốc nội có thể giảm tới 6 hoặc 7% trong 12 tháng tới. Hàng triệu việc làm sẽ bị mất và hệ thống tiền tệ quốc tế có thể rơi vào khủng hoảng vì việc hoàn trả trái phiếu được thực hiện bằng USD, là đồng tiền dự trữ của thế giới. Vì vậy, ngay cả khi vỡ nợ chỉ là ngắn hạn, thì cũng sẽ có tác động tiêu cực về lâu dài".

PGS. Felipe Silva - Đại học Missouri, Mỹ: "Một lĩnh vực bị ảnh hưởng ngay lập tức sẽ là thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, nhưng đó sẽ không phải là thị trường duy nhất bị ảnh hưởng, vì vậy chắc chắn chứng khoán Mỹ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Sẽ có sự lan tỏa sang các quốc gia khác".

Bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ: "Việc vỡ nợ sẽ đe dọa những thành quả mà chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để đạt được trong vài năm qua, trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Và nó sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu khiến chúng ta thụt lùi hơn nữa. Nó cũng có nguy cơ làm suy yếu vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ và đặt ra câu hỏi về khả năng bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta".

Ông Christian Lindner - Bộ trưởng Tài chính Đức: "Các vấn đề chính trị có gây rủi ro đối với nền kinh tế thế giới cũng như đối với sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu. Đó là lý do tại sao chúng tôi đặc biệt theo dõi diễn biến về đàm phán trần nợ của Mỹ trong những ngày này cũng như những tác động liên quan đến nền kinh tế toàn cầu, và hy vọng rằng một quyết định đúng đắn sẽ được đưa ra".

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù nguy cơ vỡ nợ của Chính phủ Mỹ là có, nhưng khả năng này là không cao. Bởi nâng trần nợ là một thủ tục mà Quốc hội Mỹ tiến hành thường xuyên. Dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo vấn đề trần nợ công sẽ làm suy yếu vị thế của Tổng thống Biden, người nhiều khả năng sẽ phải chấp nhân một số nhượng bộ đối với đảng Cộng hòa. Điều này sẽ làm gia tăng sự không chắc chắn cho tình hình kinh tế toàn cầu vốn đã nhiều bất ổn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước