Mỹ tăng cường hợp tác với các nước châu Phi

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 26/09/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bắt đầu chuyến thăm các nước châu Phi gồm Djibouti, Kenya và Angola.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Lloyd Austin diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực châu Phi gần đây có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị khi xảy ra tình trạng bạo loạn, đảo chính tại nhiều nước; trong khi các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đang trở thành vấn đề cấp bách tại khu vực này.

Ông Austin là quan chức cao cấp tiếp theo của chính quyền Mỹ thăm châu Phi, sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris hồi tháng Ba và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hồi đầu năm, thể hiện những nỗ lực tăng cường hợp tác nhiều mặt với khu vực.

Djibouti, điểm dừng chân đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong chuyến thăm châu Phi. Tăng cường hợp tác với các nước châu Phi là thông điệp xuyên suốt chuyến công du của ông Lloyd Austin tới khu vực. "Mỹ tự hào được hợp tác với Djibouti và các lực lượng Liên minh châu Phi để hỗ trợ Somalia. Sự hợp tác của chúng ta là rất quan trọng để giải quyết các thách thức xuyên quốc gia đang đe dọa cả hai nước".

Liên quan vấn đề chống khủng bố, cũng tại Djibouti, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Tổng thống Somalia đã có cuộc thảo luận về cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố al-Shabaab có liên hệ với al-Qaeda và quan hệ đối tác an ninh giữa Somalia và Mỹ.

Đánh dấu chuyến đi đầu tiên tới châu Phi với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, ông Lloyd Austin cũng sẽ thăm Kenya và Angola để tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực và thảo luận về các giải pháp do châu Phi dẫn đầu đối với các thách thức an ninh chung và nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác của Mỹ với các nước tại khu vực.

Mỹ tăng cường hợp tác với các nước châu Phi - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Getty

Thông điệp chính sách của Mỹ với châu Phi

Chuyến thăm nhằm cụ thể hóa các cam kết đã được Mỹ và các nước châu Phi đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi vừa được tổ chức tại Thủ đô Washington vào cuối năm trước. Nó cũng nằm trong nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục lại quan hệ với châu Phi - châu lục mà chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng, thúc đẩy hợp tác kể từ khi lên nắm quyền.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, chuyến thăm nhằm "nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc xây dựng và củng cố quan hệ đối tác an ninh với các nước châu Phi và thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp của châu Phi đối với các thách thức về an ninh trong khu vực. Các biện pháp thúc đẩy hợp tác về an ninh, quốc phòng với ba nước này cũng là vấn đề được đặt ra.

Nhóm BRICS - nhóm các nền kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, tại cuộc họp vừa qua đã mời thêm một số nước châu Phi tham gia nhóm, cho thấy vai trò của các nước châu Phi đang ngày càng quan trọng và Mỹ không thể không quan tâm đến khu vực này như trước đây.

Tăng cường quan hệ Mỹ - châu Phi

Có thể thấy rằng, không phải chỉ năm nay Mỹ mới đẩy mạnh quan hệ với khu vực châu Phi. Nhìn lại những năm gần đây, quan hệ Mỹ - châu Phi liên tục được chính quyền Tổng thống Biden chú trọng, trong bối cảnh các nước cũng đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này.

Tháng 2/2021, Mỹ thể hiện các nỗ lực điều chỉnh quan hệ với châu Phi và nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng trở thành đối tác của châu Phi trong tinh thần đoàn kết, hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau.

Tháng 7/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Nhà Trắng sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo châu Phi tại Washington D.C để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ - châu Phi.

Mỹ tăng cường hợp tác với các nước châu Phi - Ảnh 2.

Liên tiếp trong 9 tháng đầu năm nay, ba quan chức cấp cao của Mỹ, từ Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Tổng thống Mỹ đều có các chuyến thăm châu Phi.

Trong 8 năm kể từ Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ - châu Phi đầu tiên vào năm 2014, lục địa này đã có những thay đổi đáng kể. Gần 10 năm kể từ khi Mỹ hướng tới tăng cường hợp tác kinh tế đã mang lại mối quan hệ thương mại Mỹ - châu Phi sâu sắc hơn.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần thứ hai được tổ chức vào tháng 12 năm ngoái tại Mỹ đã tìm cách phát triển theo quỹ đạo này và thể hiện rõ ràng cam kết của chính quyền Mỹ trong việc xây dựng "mối quan hệ đối tác thế kỷ 21" với châu Phi.

Chính sách của Mỹ với châu Phi thời gian tới?

Từ nay, Mỹ sẽ coi trọng và đầu tư vào châu Phi nhiều hơn. Các cam kết cụ thể đã được đưa ra tại Hội nghị Mỹ - châu Phi hồi cuối năm ngoái, nhưng giờ có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ cần tăng tốc thực hiện các chính sách với châu Phi, để tạo lợi thế cạnh tranh với các cường quốc khác tại châu Phi.

Với tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực, kinh tế đang trên đà phát triển mạnh, châu Phi được xem là khu vực quan trọng trong cán cân quyền lực toàn cầu và sẽ là nơi diễn ra cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc thời gian tới.

Đó là chưa kể một loạt các động thái xích lại gần châu Phi của Nga và Trung Quốc, làm cho Mỹ thấy không thể chậm chân và ngồi yên như trước đây. Ngoài ra, còn phải kể đến những lĩnh vực Mỹ đang muốn chứng tỏ với thế giới là người đi tiên phong, như chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, Mỹ cũng cần sự tham gia của các nước châu Phi và gia tăng đầu tư vào đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước