"Danh sách đen"
Đây là lần đầu tiên lệnh trừng phạt được Washington nhắm vào Bắc Kinh do những tranh chấp trên tuyến đường thuỷ chiến lược thuộc Biển Đông.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết 24 công ty đã "đóng một phần vai trò giúp đỡ quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hoá các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông", theo Reuters.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thông báo trên mạng xã hội Twitter: "Những pháp nhân được nêu tên hôm nay đã đóng vai trò đáng kể trong việc xây dựng mang tính khiêu khích của Trung Quốc ở các đảo nhân tạo và phải bị buộc chịu trách nhiệm".
Các công ty Trung Quốc này sẽ bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" nhằm hạn chế các công ty Mỹ cung cấp công nghệ có nguồn gốc Mỹ cho những công ty bị trừng phạt nếu không được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép, một chuyện hầu như sẽ không xảy ra.
Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt và hạn chế đối với 24 công ty và cá nhân Trung Quốc liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông (Nguồn: Reuters)
Những công ty bị đưa vào "danh sách đen" có những tên tuổi như công ty Viễn thông Bắc Kinh Huanjia, các viện nghiên cứu của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc và Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc, công ty phát triển công nghệ Chongxin Bada, công ty kỹ thuật cáp ngoài khơi Thượng Hải, công ty thiết bị phát sóng Thiên Tân...
Ông Greg Poling, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington nhận định: "Lệnh cấm có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều công ty trong số đó, dù tôi nghĩ có rất nhiều thiết bị và công nghệ họ cần mua từ phía Mỹ mà không thể tìm được sự thay thế ở các nhà cung ứng khác. Tuy nhiên, đây có thể là bước khởi đầu để Mỹ thuyết phục các nước đối tác khu vực Đông Nam Á rằng chính sách mới của họ không chỉ là lời nói suông".
Lệnh hạn chế thị thực đối với các cá nhân liên quan
Trong một tuyên bố riêng, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ áp lệnh hạn chế thị thực đối với một số cá nhân Trung Quốc "chịu trách nhiệm hoặc đồng loã" với hành vi xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Đồng thời, những người có liên quan đến việc Trung Quốc "sử dụng biện pháp cưỡng ép đối với các bên tranh chấp ở Đông Nam Á nhằm ngăn cản họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi" cũng bị hạn chế thị thực.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố: "Những cá nhân này từ giờ sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ và người trong gia đình của họ cũng chịu lệnh hạn chế thị thực tương tự".
Những động thái cứng rắn liên tục từ phía Mỹ
Vào tháng 7, Washington thông báo có thể trừng phạt doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc có liên quan đến các vụ việc gây sức ép trên Biển Đông, sau khi đưa ra lập trường cứng rắn hơn rằng tuyên bố chủ quyền hiện nay của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi Biển Đông là "hoàn toàn trái pháp luật".
Các tàu chiến của Mỹ đã đi qua khu vực Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do tiếp cận các tuyến đường thuỷ quốc tế, làm dấy lên lo ngại về các cuộc đụng độ. Mặc dù phía Trung Quốc phàn nàn về việc Mỹ đã điều một máy bay trinh sát U-2 vào vùng cấm bay trong cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc nhưng phía Lầu Năm Góc khẳng định chuyến bay này được thực hiện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là "nằm trong các quy tắc và quy định quốc tế được chấp nhận".
Lệnh trừng phạt các công ty và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và quân sự hoá các đảo nhân tạo lần này là động thái mới nhất của Mỹ diễn ra trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới, trong bối cảnh cả Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden đều chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc, theo Reuters.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!