Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc kể từ khi hai nước đạt được thỏa thuận hòa hoãn kéo dài 90 ngày.
Phái đoàn đàm phán của Mỹ do Phó Đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish dẫn đầu, gồm các quan chức từ Bộ Tài chính, Bộ Năng lượng và Nông nghiệp cũng như Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng.
Không kỳ vọng đạt dược những bước đột phá lớn nhưng nhiều chuyên gia cho rằng vòng đàm phán này sẽ đặt nền tảng quan trọng để hai bên tiếp tục đàm phán ở các vòng đàm phán cấp cao hơn.
Cả Mỹ và Trung Quốc hiện đang chịu nhiều áp lực về kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán tụt dốc ở những mức độ khác nhau. Do đó, nhận định hai bên dễ thỏa hiệp nhau là có cơ sở. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng, hai bên sẽ có "các cuộc thảo luận tích cực và mang tính xây dựng" trong các cuộc gặp lần này.
Cuộc đàm phán cấp thứ trưởng Mỹ - Trung dự kiến diễn ra đến hết ngày mai (8/1). Theo giới thạo tin, các cuộc đàm phán ở cấp cao hơn sẽ diễn ra liên tục trong tháng 1 này, nếu hai bên thu hẹp được đáng kể những bất đồng, nhất là chiến lược Made in China 2025 (sản xuất tại Trung Quốc 2025), vấn đề Huawei và 5G, bên cạnh những vấn đề tồn tại dai dẳng lâu nay về sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường…
Nhiều chuyên gia uy tín của Trung Quốc dự báo, trong cuộc đàm phán, Bắc Kinh sẽ đưa ra những cam kết cụ thể nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, cải thiện cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Thế nhưng đây là một quá trình rất dài và khó vì liên quan trực tiếp đến những quyền lợi của các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!