Mỹ ủng hộ dỡ bỏ rào cản bằng sáng chế vaccine, mở ra hy vọng lớn cho các nước

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 07/05/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Thông báo trên mở ra hy vọng lớn để các nước có thu nhập thấp và trung bình vốn khan vaccine có cơ hội tự sản xuất và đối phó với đại dịch hiệu quả hơn.

Theo Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai: "Mục tiêu của chính quyền Tổng thống Mỹ là cung cấp các loại vaccine an toàn và hiệu quả cho càng nhiều người càng nhanh càng tốt. Khi nguồn cung vaccine cho người dân Mỹ đã được đảm bảo, chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực, hợp tác với lĩnh vực tư nhân và tất cả các đối tác có khả năng để mở rộng sản xuất và phân phối vaccine".

Từ tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ và Nam Phi đã đề xuất tạm thời miễn áp dụng những nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định TRIPS đối với vaccine ngừa COVID-19, để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế.

Những ý kiến ủng hộ đề xuất này cho rằng điều này giúp tăng sản lượng vaccine tại các nước đang phát triển, nơi cho đến nay nhận được quá ít vaccine. Tuy nhiên, các hãng dược phẩm lớn cũng như các nước mà các hãng này đặt trụ sở hầu như phản đối. Họ cho rằng bản quyền đối với vaccine không phải là rào cản chính ảnh hưởng đến sản lượng; việc sản xuất vaccine không thể tăng tốc chỉ bằng cách gỡ bỏ bằng sáng chế. Chưa kể điều này còn có thể cản trở sự sáng tạo, dẫn tới thụ động trong nghiên cứu nếu xảy ra một đại dịch mới.

Mỹ ủng hộ dỡ bỏ rào cản bằng sáng chế vaccine, mở ra hy vọng lớn cho các nước - Ảnh 1.

Lấy mẫu vaccine bất hoạt COVID-19 tại một nhà máy sản xuất vaccine của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 11/4. Ảnh: Tân Hoa xã

Tuy nhiên, sau khi Mỹ thay đổi quan điểm, tín hiệu tích cực cũng xuất hiện ở nhiều nước khác.

Ông Heiko Maas - Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho biết: "Chúng tôi sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận về việc gỡ bỏ bằng sáng chế trong tình huống ngoại lệ. Nếu đây là cách để tiêm chủng cho nhiều người hơn và nhanh hơn, thì đó là điều mà chúng tôi phải suy nghĩ. Bởi vì việc ngăn chặn đại dịch chỉ hiệu quả nếu mọi người, mọi nơi trên thế giới đều an toàn".

Ông Mevlut Cavusoglu - Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng: "Tất nhiên, việc tôn trọng bản quyền của các công ty là cần thiết, đó là sự đầu tư, phát minh nghiêm túc. Chúng ta không thể bỏ qua điều đó, nhưng các nước cần hợp tác tốt hơn trong việc đồng sản xuất".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo, EU sẵn sàng thảo luận bất kỳ đề xuất nào giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh theo một cách hiệu quả và thực tế. Vì thế, EU sẵn sàng xem xét đề xuất của Mỹ về miễn trừ bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với các vaccine ngừa COVID-19, để xem đạt được mục tiêu này như thế nào.

Vấn đề nhạy cảm, đụng chạm lợi ích nhiều công ty và quốc gia

Mỹ ủng hộ dỡ bỏ rào cản bằng sáng chế vaccine, mở ra hy vọng lớn cho các nước - Ảnh 2.

Vaccine COVID-19 do công ty AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Ảnh: Getty Images

Dự kiến vào đầu tuần sau, Mỹ sẽ bắt đầu đàm phán việc này với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, từ việc các nước lớn ủng hộ đến việc đàm phán thành công sẽ mất khá nhiều thời gian, vì đây rõ ràng là vấn đề đụng chạm lợi ích nhiều công ty và quốc gia.

Có hàng trăm loại vaccine đang được phát triển trên thế giới, nhưng trong số đó, hiện nay 89 loại đang bước vào thử nghiệm lâm sàng trên người. Ít nhất đã có 23 loại đang ở bước thử nghiệm cuối, 5 loại đang được sử dụng hạn chế, 8 loại đã được sử dụng rộng rãi.

Hầu hết tất cả các loại vaccine COVID-19 đang được sử dụng trên thế giới đều được cấp phép khẩn cấp, tức là sản xuất song song với thử nghiệm rồi tiêm luôn, chứ không phải là thử nghiệm, phê duyệt, rồi mới sản xuất và tiêm.

Có 3 công nghệ vaccine chính, nó là các cách khác nhau cho cơ thể nhận biết virus. Mà ở đây những kháng nguyên - protein gai trên virus chính là chìa khóa kích hoạt kháng thể.

Truyền thống nhất là vaccine virus giảm độc lực. Tiêm 1 dạng virus suy yếu hoặc bất hoạt vào, để kích thích sản sinh kháng thể. Rủi ro là có thể gây bệnh cho những người có hệ miễn dịch yếu. Vaccine của Sinopharm, Sinovac sử dụng công nghệ này.

Mỹ ủng hộ dỡ bỏ rào cản bằng sáng chế vaccine, mở ra hy vọng lớn cho các nước - Ảnh 3.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Algiers, Algeria. Ảnh: THX/TTXVN

Phổ biến nhất là chỉ đưa các kháng nguyên vào. Nó có thể là một vài mảnh protein gai, hoặc là protein gai gắn trên 1 virus vô hại, kích thích cơ thể phản ứng. Vaccine của Novavax, Sputnik-V và AstraZeneca ứng dụng kỹ thuật này.

Công nghệ cao nhất là vaccine mRNA. Tiêm một đoạn mã, hướng dẫn tế bào cơ thể tự tạo ra kháng nguyên, rồi cơ thể sẽ tự động có phản ứng miễn dịch. Lưu trữ loại vaccine này cần lạnh sâu -70 độ C hoặc lạnh hơn thế. Đây là công nghệ Pfizer/BioNTech và Moderna sử dụng.

Trong số các nhà sản xuất vaccine lớn của thế giới có 2 công ty Mỹ là Pfizer và Moderna. Đây là 2 công ty sở hữu vaccine COVID-19 được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Những quyết định của WTO thì đều dựa trên sự đồng thuận, tức là phải có sự nhất trí của tất cả 164 thành viên.

Hiện nay, khoảng hơn 100 quốc gia ủng hộ đề xuất tạm thời bỏ bản quyền vaccine COVID-19, quan trọng là đã có được sự đồng ý từ phía Mỹ. Sản xuất vaccine chống COVID-19 hiện giờ không chỉ còn là vấn đề về kinh tế, mà còn bao gồm cả khía cạnh đạo đức. Rất nhiều quốc gia đang phát triển chật vật đối phó với dịch, vaccine khan hiếm không đủ cho người dân tiêm. Vấn đề công bằng vaccine đã được nói đến từ rất lâu và đang cần các nước lớn chung tay thực hiện.

Trung Quốc cấp bằng sáng chế vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 Trung Quốc cấp bằng sáng chế vaccine đầu tiên ngừa COVID-19

VTV.vn - Một tín hiệu sáng sủa nữa trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19, khi Cục sở hữu trí tuệ Quốc gia Trung Quốc vừa cấp bằng độc quyền sáng chế cho vacxin ngừa COVID-19.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước