Người dân sơ tán khỏi Khartoum trong cuộc giao tranh ở Khartoum, Sudan, ngày 19/4. (Ảnh: Reuters)
Hiện chính quyền Mỹ đang cân nhắc liệu có nên rút nhân sự ra khỏi thủ đô Khartoum của Sudan ngày càng bất ổn hay không. Hai quan chức Mỹ cho biết, dự kiến sẽ sớm có quyết định về việc sơ tán Đại sứ quán Mỹ, nhưng không rõ liệu có thông báo công khai hay không.
Quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) tại Sudan đã bắt đầu một cuộc tranh giành quyền lực dữ dội vào cuối tuần trước. Cho đến nay, hàng trăm người đã thiệt mạng do giao tranh tại Sudan. Và Sudan, quốc gia phụ thuộc vào viện trợ lương thực, đã bị đẩy vào tình trạng mà Liên hợp quốc gọi là thảm họa nhân đạo.
Tướng Mỹ Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã thảo luận về sự an toàn của người Mỹ ở Sudan trong một cuộc điện đàm vào ngày 21/4 với người đứng đầu quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan.
Sudan đang hứng chịu cuộc giao tranh tranh giành quyền lực giữa quân đội nước này và RSF. (Ảnh AP)
John Kirby, người phát ngôn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, cho biết, Tổng thống Joe Biden trong tuần này đã phê duyệt kế hoạch di chuyển các lực lượng Mỹ đến gần địa điểm giao tranh trong trường hợp họ cần hỗ trợ sơ tán nhân viên ngoại giao Mỹ, nhưng không cho biết địa điểm cụ thể.
"Chúng tôi chỉ đơn giản là định vị trước một số khả năng bổ sung gần đó trong trường hợp cần thiết", ông Kirby nói với các phóng viên.
Do sân bay ở Khartoum bị ảnh hưởng bởi giao tranh và việc lưu thông hàng không tại đây không an toàn, các quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Tây Ban Nha đã không thể sơ tán nhân viên đại sứ quán.
Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết, tình hình sơ tán ở Sudan là một trong những tình huống khó khăn nhất mà họ từng gặp, với việc người Mỹ có thể tập trung vào việc đạt được lệnh ngừng bắn và tận dụng khoảng thời gian này để đưa nhân viên ra ngoài.
Việc sơ tán ở Sudan rất khó khăn do mức độ bạo lực ở Khartoum. (Ảnh: Reuters)
Cameron Hudson, một chuyên gia về chính sách châu Phi của Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đồng thời là cựu giám đốc phụ trách các vấn đề châu Phi tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết, mức độ bạo lực ở Khartoum khiến tình hình sơ tán trở nên khó lường.
Các quốc gia khác và Liên hợp quốc cũng đang xem xét biện pháp để sơ tán công dân và nhân viên.
Abdou Dieng, quan chức viện trợ hàng đầu của Liên hợp quốc tại Sudan, cho biết, Liên hợp quốc đang cố gắng đưa nhân viên ra khỏi các khu vực "rất nguy hiểm" ở Sudan để chuyển họ đến các địa điểm an toàn hơn. Liên hợp quốc có khoảng 4.000 nhân viên tại Sudan, trong đó 800 nhân viên quốc tế. Một nguồn tin giấu tên của Liên hợp quốc cho biết, có hơn 6.000 thành viên gia đình nhân viên Liên hợp quốc và các nhân viên liên quan ở Sudan.
Thụy Sĩ cho biết hôm 21/4 rằng nước này đang xem xét các phương cách sơ tán công dân khỏi Sudan. Trong khi đó, Thụy Điển thông tin sẽ sơ tán nhân viên đại sứ quán và gia đình của họ càng sớm càng tốt.
Máy bay quân sự của Tây Ban Nha đang ở chế độ chờ và sẵn sàng sơ tán khoảng 60 công dân Tây Ban Nha và những người khác khỏi Khartoum. Còn Hàn Quốc đã cử một máy bay quân sự túc trực tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở Djibouti để sơ tán công dân của mình khi có thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!