Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ Mỹ - Trung Quốc được ký kết năm 1979, ngay sau khi hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao (Ảnh: CGTN)
Việc Mỹ và Trung Quốc cập nhật hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt.
Hiệp định mới được ký kết sau nhiều tháng đàm phán và có phạm vi hẹp hơn so với các thỏa thuận trước đó, đồng thời bổ sung các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia để giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hiệp định cập nhật tiếp tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thiết lập các biện pháp kiểm soát mới nhằm bảo vệ an toàn cho các nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó, hiệp định cũng nhằm thúc đẩy lợi ích của Mỹ thông qua các quy định mới về minh bạch và sự trao đổi dữ liệu giữa hai nước.
Tuy nhiên, phạm vi hợp tác chỉ giới hạn trong nghiên cứu cơ bản, không bao gồm các công nghệ quan trọng hoặc công nghệ mới nổi, đặc biệt là những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử, vốn có vai trò then chốt trong sức mạnh kinh tế và quân sự của mỗi quốc gia.
Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc lần đầu tiên được ký kết vào tháng 1/1979, ngay sau khi hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc còn cách xa Mỹ và các quốc gia phương Tây trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc và trở thành một cường quốc khoa học, điều này khiến Mỹ phải xem xét lại và điều chỉnh hiệp định để phù hợp với thực tế mới.
Hiệp định này đã được gia hạn vào năm 2018 và có những gia hạn tạm thời trong năm 2023 và năm nay để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, chính quyền Washington cho rằng thỏa thuận cũ không còn phản ánh đúng mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, hiệp định mới được kéo dài thêm 5 năm và có sự điều chỉnh về phạm vi hợp tác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!