Mỹ xem xét bỏ thuế với hàng Trung Quốc: Cuộc chiến thương mại sắp đến hồi kết?

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 19/06/2022 09:20 GMT+7

VTV.vn - Lần đầu tiên trong 4 năm qua, hàng trăm mặt hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ có thể được cắt giảm thuế.

Cuộc chiến thuế từng gây sóng gió giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sắp đi đến hồi kết, khi chống lạm phát giờ là ưu tiên số 1 của Nhà Trắng. Liệu có một sự điều chỉnh trong chính sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc và đâu là những chuyển biến đáng chú ý trong cuộc cạnh tranh chiến lược này?

Câu chuyện thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sau một thời gian tạm lắng nay đang thu hút sự chú ý trở lại, khi Nhà Trắng lên tiếng về việc Mỹ đang xem xét gỡ bỏ một số khoản thuế đã áp lên hàng hóa Trung Quốc từ thời cựu Tổng thống Trump.

Từng là mồi lửa dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại được mô tả là có quy mô lớn nhất trong lịch sử, các hàng rào thuế quan giờ có lẽ đã trở nên nguội lạnh bên cạnh những "đám cháy" mới đang tích nhiệt và lan rộng ra, đám cháy lạm phát. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chống lạm phát là ưu tiên số 1 hiện nay. Và trong rất nhiều giải pháp được tính đến, câu chuyện thuế quan từ 4 năm trước đang được lật giở lại.

Mỹ xem xét bỏ thuế với hàng Trung Quốc

Trong thông điệp mới nhất được đưa ra trong tuần này, Nhà Trắng khẳng định các cuộc thảo luận nội bộ đang được tiến hành liên quan đến việc gỡ bỏ thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.

Bà Karine Jean-Pierre - Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết: "Một số thuế quan từ thời Tổng thống Trump không giúp thúc đẩy nền kinh tế hoặc an ninh quốc gia, mà thay vào đó làm tăng chi phí cho các gia đình và doanh nghiệp. Chúng tôi đang thảo luận về vấn đề này và đang làm việc để điều chỉnh thuế quan và các ưu tiên, nhằm bảo vệ lợi ích của người lao động và các ngành công nghiệp quan trọng".

Để ứng phó với mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua, kế hoạch gỡ bỏ thuế đã được chính Tổng thống Joe Biden đề cập vào tháng trước.

Mỹ xem xét bỏ thuế với hàng Trung Quốc: Cuộc chiến thương mại sắp đến hồi kết? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại buổi hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16/11/2021. Ảnh: The New York Times

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Chúng tôi không áp đặt bất kỳ mức thuế nào. Chính quyền tiền nhiệm đã áp đặt các loại thuế quan và các loại thuế này đang được xem xét lại".

Một trong những nhà hoạch định chính sách ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng cắt giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để chống lạm phát là Bộ trưởng Tài chính, cựu Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Janet Yellen. "Tôi tin rằng một số mức thuế thực sự khiến người Mỹ phải trả giá chứ không phải người Trung Quốc, gây tổn hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, và chúng tôi đang xem xét để tìm cách điều chỉnh lại các mức thuế đó theo cách mang tính chiến lược hơn".

Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói cho rằng Mỹ cần giữ lại toàn bộ hoặc một phần các loại thuế này để phát triển chương trình nghị sự chiến lược hơn về thương mại với Trung Quốc.

Bà Katherine Tai - Đại diện Thương mại Mỹ nói: "Trung Quốc là một đối tác thương mại đồng thời cũng là một đối thủ, một đối thủ vượt trội mà sự hợp tác là cần thiết để giải quyết những thách thức toàn cầu nhất định".

Ông Bob Bilbruck - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Captjur: "Việc dỡ bỏ thuế quan không giúp ích cho những mặt hàng lạm phát cao nhất như xăng và thực phẩm, cũng không có gì đảm bảo Trung Quốc sẽ giảm giá hàng hóa họ xuất sang Mỹ chỉ vì chúng ta đã giảm thuế cho những sản phẩm này".

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo thì cho rằng, nên giữ nguyên thuế quan với thép và nhôm, trong khi các sản phẩm khác như hàng gia dụng, xe đạp... có thể cân nhắc dỡ bỏ thuế quan.

Nghiên cứu hồi tháng 3 của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Mỹ ước tính việc loại bỏ một loạt thuế quan, nhất là với hàng hóa Trung Quốc, có thể kéo lạm phát ở Mỹ xuống 1,3 điểm phần trăm.

Hồ sơ cuộc chiến thuế Mỹ - Trung Quốc

Như vậy, sẽ có nhiều yếu tố cần được cân nhắc, nhiều lợi ích cần được hài hòa khi Nhà Trắng chốt về số phận của các gói thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc. Cuộc chiến thuế từng rất nóng trong suốt hai năm (2018-2019) và chỉ tạm lắng trong hai năm (2020-2021) khi hai bên đạt được một sự hòa hoãn được gọi là Thỏa thuận Giai đoạn 1.

Một số mốc chính của cuộc chiến thuế từng gây lo ngại cho cả thế giới.

Ngày 06/07/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức kích hoạt hàng rào thuế quan lên đến 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả cũng với mức thuế 25% và 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington khởi đầu "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử".

Mỹ xem xét bỏ thuế với hàng Trung Quốc: Cuộc chiến thương mại sắp đến hồi kết? - Ảnh 2.

Thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc không giúp ích gì cho Trung Quốc cũng như Mỹ

23/8/2018: Vòng áp thuế thứ hai. Hai bên công bố loạt thuế mới 25% với số hàng hóa trị giá 16 tỷ USD mỗi bên.

24/9/2018: Vòng áp thuế thứ ba. Loạt thuế thứ ba của Mỹ trị giá 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc đáp trả áp thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

1/12/2018: Thỏa thuận 90 ngày. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày.

Năm 2019: Đàm phán nước rút. Các mức thuế mới được công bố và rồi được trì hoãn, trong lúc các nhà đàm phán tìm kiếm một thỏa thuận giữa hai bên.

Tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1, theo đó Trung Quốc nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng hai năm, còn Mỹ dừng áp thuế đối với 162 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, và giảm một nửa thuế nhập khẩu đối với lượng hàng trị giá 110 tỷ USD.

31/12/2021: Thỏa thuận Giai đoạn 1 hết hạn. Kết thúc năm 2021, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc giai đoạn 1 hết hạn.

Tháng 5/2022, Mỹ bắt đầu đánh giá lại thuế quan đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trước khi các mức thuế tự động hết hiệu lực vào ngày 6/7 tới, trừ khi có yêu cầu tiếp tục gia hạn từ các ngành công nghiệp Mỹ.

Với cả một gói thuế quy mô lớn như thế này thì quyết định có gia hạn hay không phụ thuộc rất lớn vào việc gói thuế này hiệu quả đến đâu.

Cuộc chiến thuế - góc nhìn từ Mỹ

Hiệu quả của các biện pháp đánh thuế vào hàng Trung Quốc trong 4 năm qua, hiện Tổng thống Mỹ đang giao cho Bộ Thương mại Mỹ nghiên cứu, báo cáo và đánh giá tổng thể trước khi Tổng thống Mỹ đưa ra các quyết định dỡ một phần thuế quan áp vào hàng hóa Trung Quốc được dự báo là sẽ diễn ra trong vài tuần tới.

Phát ngôn viên của Nhà Trắng, hôm thứ Ba vừa qua thừa nhận rằng, việc đánh thuế thời gian qua vào hàng Trung Quốc chưa đạt được mục đích, không có tác dụng nhiều cho nền kinh tế Mỹ, cho an ninh của nước Mỹ, mặt khác nó lại là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và doanh nghiệp Mỹ.

Lạm phát đang là thách thức lớn nhất mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải xử lý và đây cũng là mối quan tâm lớn nhất của đại bộ phận người dân Mỹ hiện nay. Nhiều biện pháp đã được đưa ra, nhưng kết quả chưa đạt được như mong đợi và xem xét việc giảm thuế với hàng Trung Quốc là biện pháp mới nhất. Nếu không giải quyết được vấn đề lạm phát, uy tín của Tổng thống sẽ xuống thấp và khả năng thắng cử của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này là rất thấp.

Mỹ xem xét bỏ thuế với hàng Trung Quốc: Cuộc chiến thương mại sắp đến hồi kết? - Ảnh 3.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Với cộng đồng doanh nghiệp và công đoàn, câu hỏi đặt ra là giảm thuế từ Trung Quốc sẽ hạ nhiệt được bao nhiêu mặt hàng, giảm được bao nhiêu phần trăm lạm phát?. Còn công đoàn thì lo ngại giảm thuế sẽ tăng khả năng cạnh tranh của hàng Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ sẽ khó khăn, lao động mất việc làm.

Việc có nên duy trì thuế quan này hay không được cho là sẽ trở thành vấn đề chính trị gây tranh cãi lớn khi một số chính trị gia cho rằng, Tổng thống Biden đang mềm mỏng với hàng hóa Trung Quốc khi quyết định giảm thuế.

Việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc không có lợi cho cả hai nước

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc không giúp ích gì cho Trung Quốc cũng như Mỹ. Theo thống kê của Trung Quốc, năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại Mỹ -Trung nổ ra, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 275 tỷ USD.

Sau khi xảy ra chiến tranh thương mại, trong bốn năm (từ 2018 đến 2021), thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc so với năm 2017 lần lượt tăng 17,2%, 7,3%, 14,7% và 43,8%. Năm 2021, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 396 tỷ USD.

Thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đã làm tăng chi phí của các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Để bù đắp thiệt hại từ việc áp thuế, các công ty Mỹ đã phải tăng giá hàng hóa trong nước, mà đây lại là nguyên nhân chính gây ra lạm phát.

Dữ liệu cho thấy, kể từ khi thuế quan có hiệu lực, Mỹ đã mất hơn 300.000 việc làm, các công ty mất hơn 1.700 tỷ USD và chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 1.300 USD/năm. Có thể thấy, việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc đều không có lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ về thương mại.

Trung Quốc phản ứng như thế nào trước thông tin Mỹ đang xem xét gỡ bỏ thuế đối với hàng hóa Trung Quốc?

Theo chuyên gia cao cấp, Giáo sư Châu đến từ Học viện Hợp tác kinh tế và Thương mại Trung Quốc, lâu nay Trung Quốc giúp ổn định nguồn cung thực phẩm, quần áo, đồ điện tử cho thế giới, nhất là Mỹ. Do đó nếu gỡ bỏ thuế sẽ góp phần giúp kiềm chế lạm phát ở Mỹ. Theo số liệu từ Trung Quốc, nước này chiếm 30% sản lượng hàng hóa sản xuất toàn cầu.

Mỹ xem xét bỏ thuế với hàng Trung Quốc: Cuộc chiến thương mại sắp đến hồi kết? - Ảnh 4.

Lần này báo giới Trung Quốc có vẻ khá lạnh nhạt, thậm chí tờ Hoàn Cầu còn dẫn ý kiến chuyên gia dự báo, gỡ bỏ thuế mang ý nghĩa chính trị vì sắp đến kỳ bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Còn một số doanh nghiệp phản ứng theo kiểu xuất nhiều chắc gì có lợi, nhất là những mặt hàng tiêu dùng, dệt may, thực phẩm bởi cước vận tải, nguyên - nhiên liệu tăng quá cao mà chắc gì đàm phán được giá xuất cao tương ứng.

Nhìn rộng ra, nếu lần này chỉ cắt giảm hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử… chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng không mặn mà vì nước này muốn là gỡ bỏ tất cả. Trong khi đó, những mặt hàng cốt lõi như công nghệ, sắt thép thì dường như động thái từ Mỹ là giữ nguyên thuế.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Như vậy, có những vấn đề mang tính chiến lược và lâu dài thì vẫn có sự nhất quán và xuyên suốt giữa hai đảng, hai nhiệm kỳ Tổng thống của Mỹ. Điểm khác là bước đi cụ thể, cách thức thực hiện chiến lược chung đó. Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều được quan tâm rộng rãi hiện nay là những chuyển động xung quanh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từng được cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng và vừa được chính quyền của Tổng thống Joe Biden cập nhật tháng 2 vừa qua.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được Mỹ chính thức công bố tháng 2 năm nay, tiếp nối chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở từ thời Tổng thống Trump và chiến lược xoay trục sang châu Á dưới thời Tổng thống Obama.

Ông Lloyd Austin - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: "Ngày nay, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trung tâm trong ưu tiên hoạt động, trọng tâm trong chiến lược tổng thể của Mỹ. Không khu vực nào có thể làm nhiều hơn để thiết lập quỹ đạo của thế kỷ 21 như khu vực này".

Mỹ xem xét bỏ thuế với hàng Trung Quốc: Cuộc chiến thương mại sắp đến hồi kết? - Ảnh 5.

Trọng tâm của chiến lược là sự hợp tác bền vững, sáng tạo cùng các đồng minh, đối tác và các thể chế trong và ngoài khu vực nhằm đảm bảo thực hiện 5 mục tiêu là Tự do và rộng mở, Kết nối, Thịnh vượng, an ninh, có sức chống chịu.

Theo chiến lược này, Mỹ sẽ triển khai các biện pháp để đảm bảo duy trì luật pháp quốc tế với các vùng biển, vùng trời tại khu vực; tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng, trong đó ASEAN là một trong những mục tiêu trọng tâm, thúc đẩy kết nối kinh tế, chuyển đổi kinh tế số, chuyển đổi xanh; tăng cường củng cố các công cụ nhằm ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19...

Để triển khai cụ thể hóa chiến lược, Mỹ liên tiếp thực hiện các hoạt động ngoại giao song và đa phương. Tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken công du các nước châu Á. Tháng 5, Mỹ tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt với ASEAN, thể hiện sự coi trọng với thể chế khu vực, vai trò trung tâm của ASEAN. Mỹ cũng tái khẳng định các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt nhóm Bộ tứ (QUAD).

Cùng với đó, Mỹ công bố Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tạo không gian đa tầng, tăng cường kết nối kinh tế khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Chúng ta có chung mục tiêu là đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhằm mang lại nhiều cơ hội hơn, thịnh vượng hơn của tất cả con em chúng ta".

Dù vẫn có những nhận định khác nhau về mục tiêu, động thái của Mỹ tại khu vực, song chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden một lần nữa cho thấy sự xuyên suốt chính sách của Mỹ tại khu vực này, nhằm củng cố, duy trì vị thế lâu dài của Mỹ tại khu vực phát triển năng động bậc nhất toàn cầu.

Nhìn lại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2019 Nhìn lại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2019 Trung Quốc đã nỗ lực để tránh xảy ra cuộc chiến thương mại với Mỹ Trung Quốc đã nỗ lực để tránh xảy ra cuộc chiến thương mại với Mỹ Tổng thống Mỹ: “Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là cần thiết” Tổng thống Mỹ: “Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là cần thiết”

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước