Theo đó, Trung tâm Huyết học vùng Bờ Vịnh (Gulf Coast) tại thành phố Houston đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm virus Zika trong các mẫu máu bằng cách sử dụng 3 máy xét nghiệm virus Zika tự động do hãng Roche Molecular Systems sản xuất. Thiết bị tự động hóa này cho phép xét nghiệm tất cả các mẫu máu riêng lẻ và có thể phát hiện virus Zika dù với lượng rất nhỏ. Với việc áp phương pháp mới này, trung tâm trên có thể xét nghiệm hơn 3.600 mẫu máu mỗi ngày.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ, hiện có hơn 500 trường hợp nhiễm virus Zika tại Mỹ sau khi những người này đi du lịch tại các nước có dịch, trong số này có 36 trường hợp được xác nhận tại bang Texas, 15 trường hợp tại thành phố Houston. Thượng viện Mỹ hôm 17/5 đã thông qua khoản ngân sách khẩn cấp 1,1 tỷ USD cho công tác phòng chống virus Zika.
Được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi, virus Zika sau đó lan sang châu Á và khu vực Mỹ Latin, gây ra đợt bùng phát dịch mạnh nhất từ trước tới nay. Hiện hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm. Virus Zika lây truyền qua muỗi Aedes aegypti, quan hệ tình dục và truyền máu với các triệu chứng phổ biến nhất khi bị nhiễm là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Cho đến nay, chưa có vaccine phòng ngừa hay thuốc đặc trị virus này.
Theo cảnh báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu không có các biện pháp quyết liệt, con số bệnh nhân nhiễm Zika tại châu Mỹ có thể lên tới mức 500 triệu người. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu từ tháng 2; đồng thời khẳng định có sự đồng thuận rộng rãi trong cộng đồng khoa học rằng virus trên có liên quan chặt chẽ tới chứng rối loạn tự miễn dịch (hội chứng Guillain - Barré) và đặc biệt là chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, có thể gây ra nhiều khó khăn cho quá trình phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.