Vaccine mRNA của hãng Moderna. (Ảnh: AP)
Dự kiến, loại vaccine COVID-19 này sẽ được thử nghiệm lâm sàng trước cuối năm nay.
Đây sẽ là ứng viên vaccine đầu tiên trên thế giới được bào chế dựa trên một loại vaccine đã được sử dụng rộng rãi mà không có sự hỗ trợ hay cấp phép từ phía nhà phát triển. Năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lựa chọn một nhóm các tổ chức, trong đó có Afrigen, để tham gia vào dự án cung cấp kỹ thuật sản xuất vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo và thu nhập trung bình.
Động thái này diễn ra sau khi các hãng dược hàng đầu thị trường là Pfizer, BioNTech và Moderna từ chối đề nghị của WHO về việc chia sẻ kỹ thuật và chuyên môn.
WHO và các đối tác trong nhóm trên hi vọng trung tâm chuyển giao công nghệ của nhóm sẽ giúp khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước giàu và các nước nghèo. Khoảng 99% các loại vaccine điều trị các loại bệnh ở châu Phi đều là nhập khẩu.
Theo kế hoạch, Biovac, nhà sản xuất vaccine của Nam Phi (có một phần vốn nhà nước) sẽ là công ty đầu tiên tiếp nhận công nghệ từ trung tâm nói trên. Afrigen cũng đã nhất trí sẽ đào tạo cho các công ty ở Argentina và Brazil.
Hiện Moderna chưa bình luận gì về thông tin này. WHO lựa chọn vaccine của Moderna làm cơ sở để bào chế vaccine mới cho châu Phi vì nhiều thông số của vaccine được công khai và công ty này cũng cam kết sẽ không áp dụng quy định về bản quyền sáng chế đối với vaccine trong thời gian đại dịch.
Giám đốc Afrigen, Petro Terblanche, khẳng định: "Chúng tôi không sao chép Moderna mà phát triển theo quy trình riêng vì Moderna không cung cấp công nghệ cho chúng tôi. Chúng tôi lựa chọn dữ liệu của Moderna vì theo chúng tôi, đây là nguyên liệu tốt để bắt đầu. Nhưng đây không phải vaccine của Moderna mà là vaccine mRNA của trung tâm vaccine Afrigen".
Công ty cho biết, việc sản xuất vaccine sẽ được thực hiện với sự phối hợp của Đại học Witwatersrand ở Johannesburg.
Bà Terblanche cho biết thêm, Afrigen đang nghiên cứu phát triển vaccine mRNA không yêu cầu được bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh như vaccine của Pfizer hay Moderna để phù hợp với thời tiết ở châu Phi cũng như điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở y tế tại đây. Mục tiêu của Afrigen là thử nghiệm lâm sàng vaccine này trong tháng 11/2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!