Một trong những đứa con của chị Maria Logiel quá yếu, không thể ngồi dậy, mang những vết loét trên da do đói cực độ gây ra, đứa còn lại chị buộc vào lưng đang nhìn chằm chằm từ đôi mắt trũng sâu.
Tại một bệnh viện ở Karamoja, khu vực biên giới vùng Đông Bắc Uganda rộng lớn và bị cô lập vì hạn hán, dịch bệnh và các băng nhóm vũ trang, chị Logiel, 30 tuổi, nói với phóng viên hãng tin AFP: "Tôi đã để hai đứa con khác trở về nhà và tôi lo lắng rằng khi tôi quay lại, chúng sẽ không còn nữa".
Hơn nửa triệu người đang bị đói ở Karamoja, khoảng 40% dân số của vùng nông thôn bị bỏ rơi, lâu đời này nằm giữa Nam Sudan và Kenya.
Thiên tai, dịch châu chấu và sâu keo, cũng như các cuộc truy quét của những kẻ trộm gia súc được trang bị vũ khí đã khiến cho người dân nơi đây chẳng còn gì để ăn. Khi lương thực ngày càng trở nên khan hiếm, những cư dân dễ bị tổn thương nhất ở Karamoja đang phải vật lộn để tồn tại.
Bác sĩ Sharif Nalibe, cán bộ y tế quận Kaabong, một trong những quận bị thiệt hại nặng nề nhất của Karamoja, cho biết: "Trong ba tháng, hơn 25 trẻ em dưới 5 tuổi đã qua đời do suy dinh dưỡng. Và đây là những người dưới sự chăm sóc của chúng tôi. Nhưng nhiều người đã được đưa đến bệnh viện vào phút cuối, có rất nhiều người đã chết và không được báo cáo trong cộng đồng".
Nạn đói ở Karamoja hầu như không được chú ý vì những cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn, bao gồm nạn đói đang rình rập ở vùng Sừng châu Phi và cuộc chiến ở Ukraine, đang thu hút sự chú ý của toàn cầu.
Trên toàn khu vực Karamoja, khoảng 91.600 trẻ em và 9.500 phụ nữ mang thai hoặc cho con bú đang bị suy dinh dưỡng cấp tính và cần được điều trị, theo đánh giá mới nhất của các cơ quan nhân đạo và nhà tài trợ nước ngoài.
Alex Mokori, chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF, đang điều tra tình trạng suy dinh dưỡng ở Karamoja cùng với chính quyền địa phương, cho biết: "Về tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính, năm nay người dân tại đây đã chứng kiến nạn đói tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong 10 năm qua".
Logiel cho biết, chị đã tìm kiếm mọi thứ có thể ăn được, nhưng những cây dại thường khiến con chị bị ốm nặng hơn. Trong lúc tuyệt vọng, đôi khi chị mua bã của một loại bia ủ từ cao lương phổ biến ở địa phương có tên là "malwa", ngay cả khi tác dụng của nó là cồn nhẹ. Nửa lít bã này có giá khoảng 40 US cent, thường nhiều hơn lượng "đồ ăn" khác chị có thể mua được với cùng số tiền.
Logiel nói: "Thường thì chúng tôi thất bại trong việc kiếm tiền và lũ trẻ phải đi ngủ đói".
Karamoja đã phải hứng chịu các cuộc tấn công gia súc có vũ trang "ăn miếng trả miếng" giữa những cộng đồng du mục sống lang thang trên biên giới giữa Uganda, Nam Sudan và Kenya trong hàng chục năm qua. Người dân Karimoja hoàn toàn phụ thuộc vào gia súc và cây trồng để tồn tại, và sự can thiệp của chính phủ để giải giáp vũ trang đã không ngăn được vấn nạn bạo lực tại đây.
Những tác động thất thường của biến đổi khí hậu (Karamoja đang trải qua hạn hán khắc nghiệt, vào năm 2021 là lũ lụt và lở đất ) càng làm tăng thêm khó khăn ở khu vực này.
Nalibe, cán bộ y tế huyện Kaabong, cho biết: "Hiện nay, với tình trạng hạn hán kéo dài, trâu bò bị trộm, cướp và người dân không còn nguồn sinh kế, chúng tôi đang phải đối mặt với điều tồi tệ nhất".
Đối với một số người, điều tồi tệ nhất đã đến. Nangole Lopwon đi bán củi ở một ngôi làng gần đó và để lại cặp song sinh đói khát với một trong những đứa con lớn của mình. Đến khi quay lại, chị phát hiện một đứa trẻ đã chết.
"Tôi có thể làm gì? Đứa trẻ không bị bệnh. Đó hoàn toàn là do cơn đói đã giết chết nó", bà mẹ 5 con ở Kaabong nói.
Giờ đây, Nangole Lopwon cũng bị suy dinh dưỡng, và hai đứa trẻ sống sót đang trong tình trạng nguy kịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!