Nắng nóng diễn ra sau đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 19/7. (Ảnh: Reuters)
Nhiệt độ dự kiến sẽ tăng đột biến sau ngày 23/7, trước khi tích tụ thành các đợt nắng nóng, được định nghĩa là khoảng thời gian thời tiết nóng bất thường kéo dài từ ba ngày trở lên. Ngày 23/7 được gọi là ngày "nắng nóng nghiêm trọng" trong Niên lịch Trung Quốc dựa trên Âm lịch truyền thống.
Fu Jiaolan, Trưởng dự báo của Trung tâm khí tượng Trung Quốc, cho biết, đợt nắng nóng này có phạm vi tương tự như các đợt nắng nóng từ ngày 5 - 17/7, nhưng có nhiều khu vực hơn có thể bị ảnh hưởng bởi mức nhiệt từ 40°C (104 độ F) trở lên.
Ngày 22/7, một số thành phố ở tỉnh Chiết Giang, nơi có nhiều nhà máy và công ty xuất khẩu của Trung Quốc, đã ban hành cảnh báo đỏ về nắng nóng, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo ba cấp của nước này, trong đó dự báo nhiệt độ sẽ ở mức tối thiểu 40°C trong 24 giờ tới.
Phụ tải lưới điện quốc gia Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức cao mới trong mùa hè này, trong đó việc vận hành an toàn lưới điện sẽ phải đối mặt với "các bài kiểm tra nghiêm ngặt", Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc cảnh báo hôm 22/7.
Theo Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc, tỉnh Chiết Giang, cũng như các khu vực thuộc tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Hồ Nam, Giang Tây và thành phố Trùng Khánh có nguy cơ xảy ra cháy rừng trong thời gian tới.
Nhiệt độ dự kiến sẽ tăng đột biến sau ngày 23/7 tại nhiều vùng ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Các chuyên gia theo dõi thời tiết Trung Quốc mô tả, nắng nóng trong mùa hè năm nay là "cực đoan", đẩy nhu cầu sử dụng điều hòa không khí của các gia đình, văn phòng và nhà máy, đồng thời đẩy tải lưới điện ở hơn chục tỉnh thành lên mức kỷ lục.
Từ ngày 1/6 đến ngày 20/7, các khu vực thuộc lưu vực sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, những trung tâm chính của ngành công nghiệp và thương mại Trung Quốc, đã phải hứng chịu ít nhất 10 ngày nhiệt độ cao hơn mức bình thường.
Kể từ tháng 6, nhiều đợt nắng nóng cũng đã thiêu đốt các khu vực khác ở Đông Á, Tây Âu, Bắc Phi và Bắc Mỹ, làm bùng phát các đám cháy rừng ở nhiều quốc gia. Các nhà khoa học cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến các đợt nắng nóng trở nên nóng hơn và diễn ra thường xuyên hơn.
Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Trung Quốc đang là vấn đề gây tranh cãi.
Theo truyền thông Trung Quốc, thời kỳ nóng nhất trong 300 năm qua là vào tháng 7/1743 dưới triều đại nhà Thanh, trong đó một nhà truyền giáo người Pháp ở Bắc Kinh được cho là đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất mọi thời đại là 44,4°.
Trong khi đó, vào năm 2015, một cổng thông tin ở Tân Cương cho biết, nền nhiệt cao kỷ lục 50,3°C đã được ghi nhận tại một trạm thời tiết gần Ayding, một trong những nơi nóng nhất ở Trung Quốc trong mùa hè.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!