Tính từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine, NATO đã viện trợ 40 tỷ USD vũ khí cho Ukraine, hầu hết là vũ khí trong các kho dự trữ hiện có. Tuy nhiên, kho vũ khí của phương Tây đang có dấu hiệu cạn kiệt, trong khi năng lực sản xuất quốc phòng bị hạn chế, các dây chuyền sản xuất vũ khí không thể tăng tốc trong một sớm một chiều.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã viện trợ an ninh hàng tỷ USD cho Kiev.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken nói: "Các nước đồng minh NATO và đối tác đã cung cấp vũ khí trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, và sẽ còn cung cấp thêm nữa".
Số tiền 40 tỷ USD này tương đương với ngân sách quân sự hàng năm của Pháp.
Cuối tháng 11, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận, hầu hết các quốc gia thành viên NATO đã cạn kiệt đáng kể kho dự trữ vũ khí do viện trợ cho Ukraine. Ông kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng của các nước giúp bổ sung những vũ khí bị hao hụt.
Ông Jens Stoltenberg phát biểu: "Tôi hoan nghênh những nỗ lực của Liên minh châu Âu phối hợp để cung cấp vũ khí. Tôi nghĩ cần phải giảm chi phí để hướng đến những đơn hàng lớn hơn và có thể giải quyết đứt gãy của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.
Tờ New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên của NATO cho hay, kho dự trữ vũ khí của ít nhất 20 trong số 30 quốc gia thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã gần như cạn kiệt. Các nước nhỏ hơn như Litva không còn khả năng viện trợ vũ khí. Giới chức Đức hồi tháng 9 cho biết, khả năng viện trợ quân sự cho Ukraine đã "tới hạn".
Tờ Financial times cho rằng, cuộc chiến ở Ukraine phơi bày thực tế phũ phàng về năng lực vũ khí của phương Tây. Tờ báo trích dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và an ninh Hoàng gia London RUSI cho rằng, với tỷ lệ tiêu thụ pháo của Ukraine, kho dự trữ của Anh chỉ có thể đáp ứng trong một tuần và các đồng minh châu Âu của Anh cũng không ở vị thế tốt hơn. Trong khi đó, các dây chuyền sản xuất vũ khí không thể tăng công suất trong một sớm một chiều. Việc tăng công suất đòi hỏi phải có đầu tư, trong khi không ai biết cuộc chiến này kéo dài bao lâu để đầu tư lâu dài.
Nhiều chuyên gia dự đoán, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục giằng co và kéo dài, các nước phương Tây sẽ không thể duy trì quy mô và tốc độ viện trợ như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!