NATO yêu cầu Nga quay lại Hiệp ước INF

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 20/07/2019 07:17 GMT+7

VTV.vn - Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF tiếp tục trở thành nguồn cơn căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phát đi lời đe dọa NATO sẽ đưa ra phản ứng phối hợp nếu Nga không quay trở lại việc tuân thủ Hiệp ước INF. Tuyên bố không đơn thuần chỉ là lời cảnh báo như các lần trước đó mà lần này NATO đã đưa ra hẳn một thời hạn chót yêu cầu Nga phải thực hiện đó là trước ngày 2/8.

Như vậy, NATO đang đặt trách nhiệm cứu vãn Hiệp ước INF đang hấp hối lên vai Moskva sau khi lần lượt là Mỹ và Nga rút khỏi hiệp ước này. Phóng viên Nhật Linh - Thường trú Đài THVN tại Nga sẽ phân tích rõ hơn về những diễn biến mới này.

NATO cảnh báo sẽ có một số phương án đáp trả nếu Nga không quay lại INF, trong đó có việc tăng cường phòng thủ tên lửa và các lực lượng vũ trang thông thường. Vậy Moskva đã phản ứng ra sao?

Moskva ngạc nhiên khi NATO và trước đó là EU đã đưa ra lời cảnh báo đối với Nga. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng xung quanh Hiệp ước INF hiện đang chỉ được xem xét một chiều.

Theo các nhà ngoại giao Nga, "Người ta đã quên mất rằng, Moskva trong nhiều năm qua đã bày tỏ quan ngại về sự vi phạm hiệp ước từ phía Mỹ. Chính Mỹ đã phá huỷ hiệp ước và giờ vì một lý do nào đó mà người ta lại kêu gọi Nga phải tuân thủ và thực hiện cam kết".

Moskva khẳng định, những nỗ lực quy trách nhiệm cho sự sụp đổ của Hiệp ước INF vào Nga là vô nghĩa. Nga sẽ không triển khai tên lửa ở châu Âu và các khu vực khác, chừng nào ở không có sự xuất hiện của vũ khí Mỹ.

Trong trường hợp NATO thực hiện lời đe dọa, Nga liệu đã có kế hoạch cho việc đối phó?

Trong Thông điệp liên bang năm nay, Tổng thống Nga Putin đã khẳng định: "Trong trường hợp bị đe doạ, Nga có thể hướng tên lửa vào các trung tâm ra quyết định", ở đây là Mỹ và các nước NATO. Đây cũng là lần đầu tiên ông Putin lên tiếng cảnh báo, đồng thời giải thích việc Nga rút khỏi Hiệp ước INF, vì chính Mỹ đã phá vỡ Hiệp ước này khi cài đặt hệ thống vũ khí ở châu Âu.

Thực tế không phải chỉ lúc này những căng thẳng có thể dẫn đến cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và NATO, nhất là sau khi Nga tuyên bố hoàn toàn chấm dứt hợp tác với NATO cả về lĩnh vực quân sự và dân sự vào tháng 4. Moskva vẫn theo dõi sát sao các dự án hạ tầng của NATO tại các quốc gia biên giới, đồng thời Bộ Quốc phòng Nga cũng nâng cấp các lực lượng ở Biển Đen để chống lại điều mà Moskva gọi là "sự gây hấn" của NATO từ các cuộc tập trận trên biển.

Trong lúc này, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga, ông Lavrov cho rằng NATO cần phải xem lại cách tiếp cận của mình để xây dựng mối quan hệ với Nga. Như vậy, Nga và NATO đều đang không ai chịu nhường ai trong việc cứu vãn INF, tiếp tục đẩy tương lai hiệp ước này trở nên mong manh hơn.

INF là một hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng, giúp thế giới hạn chế việc phát triển và triển khai tên lửa hành trình trong hơn 30 năm qua. Một sự đổ vỡ của INF sẽ là điểm khởi mào cho viễn cảnh chạy đua phát triển vũ khí, thậm chí cả vũ khí hạt nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước