Rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc ở ngoài khơi bờ biển của đảo Bornholm, Đan Mạch, ngày 26/9/2022 (Ảnh: AP)
Đây là cáo buộc trực tiếp một thành viên hàng đầu của NATO phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc trên.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nêu rõ, Hải quân Anh đã lập kế hoạch, cung cấp và thực hiện một cuộc tấn công ở biển Baltic vào ngày 26/9, làm nổ các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2.
Anh đã bác bỏ cáo buộc của Nga và cho rằng Nga lan truyền những cáo buộc sai sự thật quy mô lớn.
Trước đó, Nga đã đổ lỗi cho phương Tây về các vụ nổ hồi tháng 9 làm vỡ đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 do Nga xây dựng dưới biển Baltic.
Trước đó, Nga chưa bao giờ đưa ra chi tiết cụ thể về việc ai chịu trách nhiệm về thiệt hại cho các đường ống, vốn là các tuyến đường lớn nhất cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu.
Điện Kremlin nhiều lần cho rằng cáo buộc Nga chịu trách nhiệm về thiệt hại là "ngu ngốc", trong khi các quan chức Nga nhận định, Mỹ có động cơ vì muốn bán thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu.
Mặt biển Baltic sủi bọt vì vụ rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc. (Ảnh: Reuters).
Ngày 26/9, Thụy Điển và Đan Mạch ghi nhận sự cố rò rỉ hai đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc sau khi một số vụ nổ lớn tương đương vài trăm kg thuốc nổ xảy ra.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom tuyên bố, cả hai tuyến A và B của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và tuyến A của Dòng chảy phương Bắc 2 đã bị hư hỏng ở mức chưa từng có tiền lệ và họ hiện không thể ước tính được thời điểm nào có thể sửa chữa xong.
Có tổng cộng 4 lỗ rò rỉ lớn trên đường ống chạy từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Rất nhiều nghi vấn được đặt ra, nhưng cả Nga và phương Tây đều nhất trí ở một điểm rằng, đây dường như là một vụ phá hoại có chủ đích.
Theo giới quan sát, một cuộc chiến thông tin sau đó đã bùng phát, khi các bên lần lượt tung ra bằng chứng nghi ngờ đối phương có liên quan tới vụ việc.
Mặt khác, các chuyên gia nhận định, một trong những phía đang gặp bất lợi trong tình huống hiện tại chính là châu Âu, trong bối cảnh khu vực này đang căng mình đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi mùa đông sắp tới gần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!