Một hình ảnh vệ tinh cho thấy rò rỉ khí đốt từ đường ống Dòng chảy phương Bắc ở Biển Baltic. (Ảnh: Reuters)
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, một lượng lớn khí methane đậm đặc, một loại khí nhà kính mạnh hơn nhiều nhưng thời gian tồn tại ngắn hơn carbon dioxide, đã được phát hiện trong một phân tích hình ảnh vệ tinh vào tuần này do các nhà nghiên cứu liên kết với Đài quan sát phát thải khí methane quốc tế của UNEP, hoặc IMEO thực hiện.
Manfredi Caltagirone, người đứng đầu IMEO của UNEP, nói với Reuters: "Điều này thực sự tồi tệ, rất có thể là sự cố phát thải lớn nhất từng được phát hiện".
Các nhà nghiên cứu tại GHGSat, công ty sử dụng vệ tinh để theo dõi lượng khí methane, ước tính, tốc độ rò rỉ từ một trong 4 điểm đường ống vỡ là 22.920 kg/h, tương đương với việc đốt cháy khoảng 630.000 pound than mỗi giờ. GHGSat nhận định: "Tỷ lệ này là rất cao, đặc biệt là khi sự cố đã diễn ra liên tục trong bốn ngày kể từ vụ rò rỉ đầu tiên".
Tổng lượng khí methane rò rỉ từ hệ thống đường ống của Gazprom có thể cao hơn so với vụ rò rỉ lớn xảy ra vào tháng 12/2021 từ các mỏ dầu khí ngoài khơi ở vùng biển Mexico thuộc vịnh Mexico, làm tràn khoảng 100 tấn methane/h, ông Caltagirone nói.
Tàu Đan Mạch theo dõi sự cố rò rỉ đường ống ở biển Baltic, ngoài khơi Đan Mạch vào ngày 30/9. (Ảnh: Reuters)
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Bách khoa Valencia và được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology Letters, vụ rò rỉ ở vịnh Mexico, cũng có thể nhìn thấy từ không gian, cuối cùng giải phóng khoảng 40.000 tấn methane trong 17 ngày. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, con số đó tương đương với việc đốt 1,1 tỷ pound than.
Công nghệ vệ tinh được cải tiến đã nhanh chóng nâng cao khả năng của các nhà khoa học trong việc tìm kiếm và phân tích lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong những năm gần đây, điều mà một số chính phủ hy vọng sẽ giúp các công ty phát hiện và ngăn chặn sự phát thải khí methane.
Các vụ rò rỉ lớn đột ngột xảy ra trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc chạy từ Nga sang châu Âu đã tạo ra rất nhiều giả thuyết, nhưng có rất ít câu trả lời rõ ràng về việc ai hoặc cái gì đã gây ra thiệt hại. Cả Nga và Liên minh châu Âu đều cho rằng các vụ rò rỉ là hậu quả của hành động phá hoại.
Châu Âu và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga để trả đũa cho việc Moscow tấn công Ukraine, làm dấy lên lo ngại rằng Điện Kremlin sẽ cắt nguồn cung năng lượng quan trọng của châu Âu vào mùa đông.
Ông Caltagirone cho biết, bất kể vì nguyên nhân là gì, thiệt hại đối với đường ống Dòng chảy phương Bắc dẫn đến một vấn đề ngoài an ninh năng lượng. Ông nói: "Đây là cách tạo ra khí thải lãng phí nhất".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!