Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). (Ảnh: AP)
Đây là tuyên bố của Giám đốc Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga, ông Dmitry Rogozin.
Theo ông Dmitry Rogozin, Roscosmos sẽ đệ trình những đề xuất về việc chấm dứt hợp tác với NASA và các cơ quan vũ trụ quốc tế khác lên chính quyền Nga, tuy nhiên vẫn chưa rõ quyết định sẽ ảnh hưởng đến Trạm Vũ trụ quốc tế như thế nào.
ISS không thuộc sở hữu của bất kỳ quốc gia nào mà được Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga, Canada và Nhật Bản vận hành thông qua một thỏa thuận hợp tác giữa các nước. Tuy nhiên, Roscosmos rất quan trọng đối với ISS khi phân đoạn quỹ đạo của Nga xử lý việc điều khiển hướng dẫn cho toàn bộ trạm.
Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga đóng vai trò quan trọng đối với Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). (Ảnh: AP)
Vào tháng 3, Roscosmos cho biết sẽ không đưa các vệ tinh Internet của OneWeb lên vũ trụ cho đến khi Chính phủ Vương quốc Anh bán cổ phần của mình trong công ty. Cũng trong tháng 3, Cơ quan Vũ trụ châu Âu thông báo sẽ đình chỉ sứ mệnh chung ExoMars với Roscosmos.
Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã tạo ra sự chia rẽ lớn nhất từ trước đến nay giữa hai đối tác lớn trong dự án gồm 15 quốc gia và chiến tranh kinh tế có nguy cơ cắt đứt ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu.
Đáp trả tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 24/2 về việc áp trừng phạt lên chương trình không gian của Nga, Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga Dmitry Rogozin đã cảnh báo về việc "rút tay" khỏi ISS, dẫn đến việc có thể khiến trạm vũ trụ 500 tấn này mất kiểm soát, rơi khỏi quỹ đạo và có khả năng "hạ cánh" xuống Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, hay bất cứ vùng dân cư đông đúc nào trên hành tinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!