Cờ Ukraine được treo dọc theo Phố Church, Twickenham, ở Tây Nam London, Anh. (Ảnh minh họa: AP)
Trong danh sách trừng phạt Nga mới nhất của Anh có Đại tướng Mikhail, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát quốc phòng Nga, Giám đốc điều hành Gazprom-Media Alexander Zharov, Giám đốc điều hành hệ thống truyền hình RT Alexey Nikolov và người đứng đầu kênh truyền hình quốc tế Sputnik International. Ông Sergei Brilyov, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Nga, cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) thông báo cấm các kênh truyền thông nhà nước của Nga là RT và Sputnik phát sóng ở khối này.
Hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật trừng phạt các hành vi phát tán "tin giả" về hoạt động của quân đội Nga và bất kỳ cơ quan nhà nước nào ở nước ngoài. Điện Kremlin nhiều lần cáo buộc, truyền thông phương Tây đang tung ra chiến dịch thông tin sai lệch về Nga ở mức độ "chưa từng có" sau khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong khi đó, Nhật Bản không có kế hoạch rút khỏi một dự án khí đốt chung với Nga bất chấp việc Tokyo cùng với phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Moscow. Đây là tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào ngày 31/3.
Nhật Bản tuyên bố không rút khỏi dự án khí đốt chung với Nga. (Ảnh: Kyodo)
Nhật Bản, đất nước có nguồn năng lượng hạn hẹp, đang nỗ lực để cân bằng giữa nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch và quan điểm cứng rắn đối với Nga, hiện cũng đang phải đối mặt với câu hỏi có tiếp tục tham gia vào dự án Sakhalin-2 nữa hay không.
Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida cho rằng, dự án Sakhalin-2 với Nga cung cấp nguồn cung khí hóa lỏng ổn định, giá thành rẻ và dài hạn cho Nhật Bản. Ông khẳng định, đây là một dự án rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản, do đó Tokyo không có kế hoạch rút khỏi dự án này.
Mặc dù đưa ra quyết định trên nhưng Nhật Bản tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tập đoàn dầu mỏ Shell của Anh cho biết sẽ bán 27,5% cổ phần trong dự án Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga.
Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản nắm giữ 12,5% cổ phần trong dự án này và tập đoàn Mitsubishi có 10%. Trong khi đó, tập đoàn Gazprom của Nga nắm 50% cổ phần trong dự án Sakhalin-2.
Nhật Bản phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, một phần là do nhiều lò phản ứng hạt nhân của nước này đã ngừng hoạt động kể từ khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011. Hiện Nga đang cung cấp hơn 8% nhu cầu LNG của Nhật Bản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!