Nga đã đình chỉ án tử hình một cách hiệu quả vào cuối những năm 1990 như một điều kiện để gia nhập Hội đồng châu Âu. Tuy nhiên, vào năm 2022, Nga đã rút khỏi Hội đồng châu Âu, cáo buộc phương Tây vũ khí hóa tổ chức này để áp đặt "chương trình nghị sự chính trị và các giá trị tiến bộ của riêng mình".
Phát biểu tại một hội nghị pháp lý ở St. Petersburg hôm 28/6, người đứng đầu Ủy ban Điều tra Nga Bastrykin nói rằng "mức độ nghiêm trọng của những hành vi phạm tội" đang xảy ra ở Nga đã trầm trọng hơn so với thời Xô Viết. Ông lập luận rằng các tòa án nên được phép xử tử những tội phạm bạo lực, chẳng hạn như nghi phạm khủng bố, đối tượng giết người hàng loạt và những kẻ phạm tội chống lại trẻ em.
Ông Bastrykin nói: "Tôi là người đề xuất án tử hình. Tại sao chúng ta không dỡ bỏ lệnh cấm và đưa hình phạt tử hình vào luật khi số lượng tội phạm bạo lực đang gia tăng?".
Ông Bastrykin dã trích dẫn vụ tấn công phòng hòa nhạc ở Moscow hồi tháng 3 bởi những kẻ khủng bố có liên hệ với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khiến 145 người thiệt mạng. Cảnh sát Nga đã bắt giữ một số nghi phạm, bao gồm cả 4 tay súng trực tiếp xông vào tòa nhà trung tâm thương mại Crocus City Hall và phóng hỏa.
"Ở thời Xô Viết, một người có thể bị kết án tử hình vì giết hai hoặc ba người. Hôm nay, các nghi phạm (trong vụ tấn công khủng bố phòng hòa nhạc) chỉ có thể bị tuyên mức án tối đa là tù chung thân" - ông Bastrykin nói.
Theo người đứng đầu Ủy ban Điều tra Nga, chỉ riêng năm 2023, cơ quan thực thi pháp luật nước này đã điều tra 23.700 tội danh chống lại trẻ em, trong đó có 246 vụ giết người, 1.870 vụ hiếp dâm và hơn 6.800 tội phạm tình dục khác.
Ông Bastrykin không phải là quan chức Nga đầu tiên đề xuất khôi phục án tử hình đối với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho đến nay vẫn từ chối công khai tán thành ý tưởng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!