Ngân hàng trung ương châu Âu tiếp tục ưu tiên chống lạm phát

Lê Hồng Quang (Phóng viên THVN từ châu Âu)-Thứ năm, ngày 23/03/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Ngày 22/3, lãi suất cơ bản đồng euro đã lên tới 3,5% - đúng theo lộ trình mà Ngân hàng trung ương châu Âu vạch ra từ trước.

Động thái này cho thấy Ngân hàng trung ương châu Âu vẫn tiếp tục ưu tiên chống lạm phát, do đã đánh giá ngay từ đầu rằng khó khăn của một vài ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ không thể lan ra thành khủng hoảng tài chính.

Lần tăng lãi suất này được báo chí Tây Ban Nha quan tâm đặc biệt vì hầu như cùng lúc, hai ngân hàng lớn tại Mỹ và Thụy Sĩ bị đẩy tới bờ vực phá sản.

Tờ El Pais ra hôm thứ Sáu tuần trước viết: Ngân hàng Trung ương châu Âu kiên trì lộ trình định trước, bất chấp hoảng loạn đang diễn ra trên thị trường tài chính sau cuộc khủng hoảng của ngân hàng SVB tại Mỹ và Crédit Suisse ở châu Âu. Bài báo nhận xét rằng điểm khác biệt duy nhất lần họp này, là bà Christine Lagarde đã từ bỏ giọng điệu mạnh mẽ vẫn thường được sử dụng trong các cuộc họp trước đây.

Ngân hàng trung ương châu Âu tiếp tục ưu tiên chống lạm phát - Ảnh 1.

Ngân hàng trung ương châu Âu có thể đã đánh giá rằng những vấn đề của Crédit Suisse và SVB không thể nào lan rộng ra được, cho nên vẫn chỉ ưu tiên mục tiêu chống lạm phát hơn là phòng ngừa khủng hoảng tài chính. Đó là nhận định của tờ El Mundo. Tờ báo Tây Ban Nha trích lời bà Chủ tịch: "Tôi đã ở đây vào năm 2008 và tôi biết rõ tình hình. Các ngân hàng trong Eurozone có khả năng phục hồi, với vị thế vốn và thanh khoản cao, hệ thống ngân hàng đang ở vị thế mạnh hơn nhiều so với năm 2008. Hơn nữa, nếu cần, chúng tôi có sẵn các công cụ, có thể kích hoạt bất cứ lúc nào".

Trái với những lần họp trước, hôm thứ Năm vừa rồi, bà Christine Lagarde đã không đưa ra bất kỳ manh mối nào về ý định sẽ làm gì tiếp theo, liệu sẽ có một đợt tăng lãi suất nữa tại cuộc họp tháng Tư hay không. Tuy nhiên, theo tờ ABC thì ý tứ ngầm ẩn không khó đoán. Bài báo viết: "Các nhà phân tích đã nhận được thông điệp rằng, Ngân hàng trung ương châu Âu có tăng lãi suất nữa hay không và tăng ở mức nào chỉ tùy thuộc vào diễn biến của lạm phát mà thôi".

Trong cuộc họp đó, Ngân hàng trung ương châu Âu cập nhật dự báo theo hướng lạc quan hơn. Tờ El Economista có biểu đồ, lạm phát trung bình sẽ chỉ còn ở mức 5,3% trong năm nay, thấp hơn tỷ lệ 6,3% dự kiến trước đó và sẽ về được mức 2,1% vào năm 2025.

ECB tiếp tục ưu tiên chống lạm phát

Lạm phát đang giảm dần, phần nhiều là do giá xăng dầu và khí đốt đã giảm mạnh, nhưng đó là mức lạm phát chung. Còn nếu tính riêng lương thực thực phẩm, thì một số thực phẩm cơ bản vẫn duy trì mức tăng cả năm lên tới 30%. Đây là nói về đồ ăn hàng ngày: bột mỳ, trứng gà, sữa tươi, rau tươi và dầu ăn…

Ngân hàng trung ương châu Âu tiếp tục ưu tiên chống lạm phát - Ảnh 2.

Chúng ta vẫn nói tới vai trò của Ngân hàng trung ương châu Âu trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng nhiệm vụ chính của Ngân hàng trung ương châu Âu là duy trì sức mua của đồng tiền và bình ổn vật giá. Vậy nên Ngân hàng trung ương châu Âu có lúc đã tuyên bố rằng sẽ tăng lãi suất tới ngưỡng mà doanh nghiệp và ngân hàng có thể chịu đựng được. Ưu tiên vẫn là chống lạm phát.

Chi tiêu ảnh hưởng bởi lãi suất tăng

Đối với các hộ gia đình ở châu Âu, đã quen với tín dụng tiêu dùng, vay tiền ngân hàng để mua nhà mua xe, hoặc tiêu tiền bằng thẻ tín dụng tiêu trước trả sau, thì lãi suất tăng có tác động thấy ngay được. Mua nhà chẳng hạn là khoản tiền lớn, vay mua rồi trả dần trong 20 đến 30 năm, lãi suất chỉ cần tăng chút ít là đã làm nhiều người phải chùn tay.

Lấy ví dụ, lãi suất vay mua nhà tại Luxembourg lúc này đã lên tới 4%/năm, so với 2,6% cách đây 3 tháng, khiến số tiền phải trả gốc và lãi hàng tháng vượt quá khả năng chịu đựng. Lượng tiền vay mua nhà mấy tháng đầu năm nay tại Luxembourg đã giảm tới 2/3, giá nhà đất vì vậy cũng giảm, tất nhiên đó là mục đích của biện pháp tăng lãi suất, nhưng với nhiều người đang muốn mua nhà, thì mong ước chính đáng bị đẩy ra xa vời hơn.

Ngân hàng trung ương châu Âu dự kiến, phải tới năm sau mới có thể đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, nhưng không nêu ra lộ trình cụ thể như thông lệ trước đây. Trong vài giờ tới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng sẽ công bố mức tăng lãi suất, nhiều khả năng sẽ theo cách của Ngân hàng trung ương châu Âu, vẫn theo lộ trình bình thường đã dự kiến, đồng thời cam kết về thanh khoản nếu cần, nhằm cân bằng giữa chống lạm phát và ổn định hệ thống ngân hàng.

Áp lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương vẫn lớn Áp lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương vẫn lớn

VTV.vn - Ngày 7/3, ngân hàng trung ương của hai nước trong nhóm G7 là Mỹ và Australia đều thể hiện các động thái cứng rắn liên quan đến chính sách lãi suất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước