Quân đội Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo báo cáo tài chính của Chính phủ Trung Quốc được công bố trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Nhân đại (Quốc hội) khóa XIV hôm 5/3, ngân sách mà Trung Quốc sẽ chi cho các hoạt động quân sự trong năm 2023 sẽ là hơn 1,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 224 tỷ USD). Con số này cao gấp đôi so với 10 năm trước, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Chi tiêu quốc phòng được xác định dựa trên nhu cầu về khả năng phòng thủ và mức độ phát triển kinh tế.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, việc tăng chi tiêu quốc phòng là cần thiết nhằm đối phó với những thách thức an ninh phức tạp và để Trung Quốc thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là một nước lớn.
Đây là năm thứ ba liên tiếp chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng kể từ năm 2021, cũng là năm thứ tám liên tiếp duy trì tăng trưởng ở mức một con số. Năm 2016, ngân sách quốc phòng của nước này lần đầu tiên tăng một con số sau năm năm, ghi nhận ở mức 7,6%. Từ năm 2011 đến 2015, con số này lần lượt là 12,7%, 11,2%, 10,7%, 12,2% và 10,1%.
Ngân sách quốc phòng năm 2023 của Trung Quốc tăng 7,2% so với năm 2022. (Ảnh: Reuters)
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã giảm xuống còn 6,6% trong năm 2020, mức thấp nhất trong vòng 32 năm. Số liệu này đã dần tăng nhẹ trong hai năm qua. Trong đó, năm 2021 tăng 6,8%, đạt 1.355,343 tỷ Nhân dân tệ; năm 2022 là 1.450,45 tỷ Nhân dân tệ, tăng 7,1%. Đây cũng là lần đầu tiên chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng trên 7% kể từ năm 2019.
Trong báo cáo công tác do Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày tại kỳ họp Quốc hội, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu quân đội nước này "đẩy mạnh toàn diện công tác huấn luyện quân sự và sẵn sàng chiến đấu, sáng tạo trong chỉ đạo chiến lược quân sự, chú trọng huấn luyện quân sự thực chiến, lập kế hoạch tổng thể đấu tranh quân sự trên các hướng, các lĩnh vực".
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo vào chiều 4/3, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Vương Siêu khẳng định, tỷ trọng chi tiêu cho quốc phòng của nước này trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) về cơ bản duy trì ổn định trong nhiều năm, thấp hơn mức trung bình của thế giới và duy trì mức tăng "tương đối vừa phải và hợp lý".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!