Ngoại trưởng Nga - Mỹ gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine

Quỳnh Chi (Theo NPR)-Thứ sáu, ngày 03/03/2023 06:58 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ Blinken (phải) và Ngoại trưởng Nga Lavrov, tham dự cuộc họp của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G20 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 2/3. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã có cuộc gặp ngắn bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G20 ở Ấn Độ.

Đây là lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ kể từ khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Mối quan hệ Mỹ - Nga đã xuống mức thấp chưa từng thấy với việc Mỹ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong khi hỗ trợ quân sự, kinh tế và ngoại giao cho Ukraine.

Phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Blinken cho biết, ông đã nhấn mạnh một số điểm chính với ông Lavrov.

1. Quay trở lại Hiệp ước New START

"Tôi kêu gọi Nga đảo ngược quyết định vô trách nhiệm của mình và quay trở lại thực hiện Hiệp ước New START, hiệp ước đặt ra những giới hạn có thể kiểm chứng đối với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên bang Nga", Ngoại trưởng Blinken nói. "Việc tuân thủ lẫn nhau là vì lợi ích của cả hai quốc gia chúng ta. Đó cũng là điều mà mọi người trên thế giới mong đợi ở chúng ta với tư cách là cường quốc hạt nhân".

Ngoại trưởng Nga - Mỹ gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken (phải) và Ngoại trưởng Nga Lavrov đi bộ để tham dự phiên thứ hai của cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao G20, tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 2/3. (Ảnh: AP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đình chỉ sự tham gia của Nga vào hiệp ước New START trong tháng 2, ngay trước thời điểm đánh dấu một năm xảy ra cuộc chiến Nga - Ukraine. Đây là hiệp ước cuối cùng còn lại thuộc loại này giữa Nga và Mỹ

Sự phối hợp kiểm soát vũ khí giữa hai nước phải tiếp tục "bất kể điều gì khác đang xảy ra trên thế giới hoặc trong mối quan hệ của chúng ta, giống như Mỹ và Liên Xô cũ đã làm, ngay cả ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh", ông Blinken tuyên bố

2. Trả tự do cho Paul Whelan

Ngoại trưởng Blinken cho biết, ông đã nhắc lại lời kêu gọi Moscow chấp nhận đề nghị của Washington về việc trả tự do cho Paul Whelan, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ bị giam giữ ở Nga từ năm 2018.

Một tòa án Nga đã kết án Whelan về tội làm gián điệp vào năm 2020 và kết án anh ta 16 năm tù. Blinken trước đây đã nói: "Chính quyền Nga đã đưa Whelan ra xét xử bí mật và kết án anh ta 16 năm tù tại một thuộc địa hình sự của Nga dựa trên bằng chứng bí mật".

Vào ngày 2/3, ông Blinken khẳng định: "Chúng tôi quyết tâm đưa Paul Whelan và mọi công dân Mỹ khác đang bị giam giữ bất công trên khắp thế giới về quê nhà. Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi làm được điều này".

Ngoại trưởng Nga - Mỹ gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Blinken phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20, ngày 2/3. (Ảnh: AP)

3. Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine ngoại giao với Nga

"Hãy chấm dứt cuộc chiến này, tham gia vào các hoạt động ngoại giao có ý nghĩa có thể tạo ra một nền hòa bình công bằng và lâu dài", ông Blinken nói với ông Lavrov.

Ông Blinken giải thích rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra kế hoạch 10 điểm để chấm dứt chiến tranh nhưng cáo buộc Moscow từ chối tham gia các nỗ lực ngoại giao.

"Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Ukraine thông qua ngoại giao để chấm dứt chiến tranh", ông Blinken nói. "Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã tỏ ra không quan tâm đến việc tham gia, nói rằng thậm chí không có gì để nói trừ khi và cho đến khi Ukraine chấp nhận (các điều kiện của Nga)".

Moscow cho biết ông Blinken đã yêu cầu cuộc gặp cấp Ngoại trưởng Nga - Mỹ này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, cuộc họp do ông Blinken yêu cầu và được tổ chức "khi đang di chuyển". Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, cuộc hội đàm kéo dài trong chưa đầy 10 phút.

Lần cuối cùng ông Blinken và ông Lavrov gặp nhau là ở Geneve, Thụy Sĩ vào tháng 1/2022, trước khi Nga tấn công quân sự Ukraine.

Tin tức hôm 2/3 được đưa ra sau khi Mỹ công bố một đợt cung cấp vũ khí lớn khác cho Ukraine, và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, người gần đây đã tới Kiev, cam kết viện trợ kinh tế nhiều hơn cho Ukraine.

Ấn Độ, nước Chủ tịch luân phiên của G20 năm nay, hy vọng, cuộc chiến ở Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình tại các cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G20. Thay vào đó, nước chủ nhà muốn Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G20 tập trung vào một số vấn đề phù hợp hơn với Nam bán cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, lạm phát và xóa nợ.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G20 tại Ấn Độ Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G20 tại Ấn Độ

VTV.vn - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc hôm nay (ngày 2/3) tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước