Động thái mới của Nga thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế giữa lúc cuộc xung đột Nga - Ukraine chuẩn bị tròn 1 năm từ khi bùng nổ. Đây cũng là một tín hiệu nữa cho thấy niềm tin ngày càng xói mòn giữa hai quốc gia nắm giữ 90% số đầu đạn hạt nhân trên thế giới, đồng thời làm dấy lên lo ngại về nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới giữa hai siêu cường này.
New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước được ký kết năm 2010, trong đó quy định mỗi nước được triển khai:
- Không quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng.
- Không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân trên các loại tên lửa và máy bay kể trên.
- Không quá 800 bệ phóng các loại tên lửa đạn đạo kể trên và máy bay ném bom hạng nặng.
Bên cạnh đó, mỗi bên có thể tiến hành tới 18 cuộc thanh sát mỗi năm với các địa điểm vũ khí hạt nhân chiến lược để đảm bảo bên kia không vi phạm giới hạn hiệp ước.
Bà Heather Williams - Trưởng Dự án các vấn đề hạt nhân, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) nói: "Điều quan trọng phải thừa nhận New START là một hiệp ước thực sự thành công. Tính đến tháng 1 năm nay, hai nước đã tiến hành 328 cuộc thanh tra trong khuôn khổ Hiệp ước, đây thực sự là một thành tựu lớn. Việc đình chỉ của Nga có nguy cơ làm mất đi sự minh bạch hiện có đối với kho vũ khí của Nga và sẽ khó để dự đoán liệu Nga có mở rộng kho vũ khí và bằng cách nào".
Hiệp ước New START đã được gia hạn một lần vào năm 2021 và dự kiến hết hiệu lực vào tháng 2 năm 2026. Nội dung hiệp ước không có điều khoản nào quy định về việc Mỹ hoặc Nga đơn phương đình chỉ tham gia. 17 trang của hiệp ước chỉ nhắc đến việc mỗi bên có quyền rút khỏi nếu nhận thấy hành động của bên còn lại đe dọa lợi ích tối cao của mình.
Nga khẳng định sẽ không rút khỏi Hiệp ước hoàn toàn
Giới phân tích Nga chỉ ra rằng việc Moscow dừng tham gia Hiệp ước New START có liên quan trực tiếp đến mục tiêu của Mỹ là gây "thất bại chiến lược" cho Nga. Tuyên bố ngừng tham gia START đồng thời là một tín hiệu rõ ràng tới phương Tây: Nga sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia do tình hình Ukraine. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố sẽ không thảo luận về Hiệp ước New START với Mỹ chừng nào Washington còn tiếp tục trang bị vũ khí cho Kiev.
Đáng lưu ý là Nga tuyên bố dừng tham gia Hiệp ước nhưng đồng thời tuyên bố việc tuân thủ giới hạn đầu đạn hạt nhân, vẫn giữ số lượng không vượt quá quy định. Moscow cũng khẳng định sẽ không rút khỏi Hiệp ước hoàn toàn, điều này có nghĩa còn có khả năng để đàm phán - không chỉ với Mỹ mà với cả phương Tây. Chính Tổng thống Putin đã phác thảo các điều khoản của mình để quay trở lại, bao gồm cả việc tính đến khả năng hạt nhân của các quốc gia thành viên NATO khác (như Anh và Pháp) vốn không phải là một bên trong New START.
Mỹ lo ngại việc đình chỉ Hiệp ước New START
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng đó là một sai lầm lớn. Còn Ngoại trưởng Mỹ Blinken thì cho rằng, đó là điều vô cùng đáng tiếc và thiếu trách nhiệm.
Ông Blinken cũng cho biết Mỹ sẽ theo dõi sát sao xem Nga thực sự sẽ làm gì và khẳng định trong bất kỳ trường hợp nào, Mỹ cũng sẵn sàng bảo vệ an ninh cho Mỹ và cho các đồng minh của Mỹ. Đồng thời, Mỹ luôn sẵn sàng đối thoại với Nga về hiệp ước này, bất cứ khi nào, bất kể điều gì đang xảy ra.
Thực ra thì đầu tháng này, trong một báo cáo gửi lên Quốc hội, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước START mới khi Mỹ cho rằng Nga ngăn chặn hoạt động thanh sát tại chỗ, từ chối đề nghị của phía Mỹ tổ chức họp bàn về các mối lo ngại liên quan đến việc tuân thủ thỏa thuận.
Giới phân tích Mỹ thì cho rằng, hiệp ước tạo cơ chế cho Mỹ và Nga được xây dựng dựa trên quan điểm: không có nước nào thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân và chiến tranh hạt nhân là không cần thiết. Hai bên có thể chia sẻ dữ liệu, thanh tra, kiểm soát lẫn nhau để tránh hiểu lầm, hoặc ngăn chặn các sự cố về vũ khí hạt nhân.
Không thể phủ nhận, Hiệp ước New START đã mang lại an ninh không chỉ cho Nga và Mỹ, mà còn cho toàn thể cộng đồng quốc tế. Nếu thật sự mất đi một hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý hiệu quả như New START, đây sẽ là một diễn biến xấu làm gia tăng những căng thẳng toàn cầu.
Nhận định về khả năng quay trở lại hiệp ước New START của Nga, các chuyên gia cho rằng, điều này có thể xảy ra, với điều kiện quan hệ chính trị tổng thể thay đổi và bởi trên thực tế, hiệp ước New START vẫn tồn tại. Tuy nhiên, con đường hàn gắn niềm tin giữa Nga và Mỹ là không hề dễ dàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!