Người dân Nepal vẫn mỏi mắt chờ hàng cứu trợ

Thùy Hương (Theo The Guardian)-Thứ tư, ngày 29/04/2015 12:49 GMT+7

Cô bé Jyothi Puri đứng trên đống đổ nất của ngôi làng Swarathok (Ảnh: Jason Burke)

VTV.vn - Người dân ở nhiều khu vực hẻo lánh tại Nepal cho biết, họ vẫn ngày ngày mong ngóng những chuyến hàng cứu trợ.

Từng là nơi sở hữu khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ: những dãy núi trải dài phủ tuyết trắng, con sông xanh ngắt uốn lượn dưới chân núi, giờ đây, ngôi làng Swarathok chẳng còn gì ngoài một đống đổ nát. Phần lớn các ngôi nhà ở Swarathok, nằm cách thủ đô Kathmandu 70km, đã bị xóa sổ trong cơn động đất kinh hoàng xảy ra vào sáng ngày 25/4. Những ngôi nhà may mắn còn đứng vững sau trận động đất giờ cũng mang trên mình những vết nứt lớn, giống những vết thương đang hằn sâu trong trái tim hàng triệu người Nepal.

Từ Kathmandu, phải mất hai giờ đồng hồ đi qua những con đường đầy sỏi đá để đến được Swarathok. Trong bối cảnh hàng nghìn người dân ở thủ đô vẫn đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu thốn về mọi mặt, nhiều khả năng, cứu trợ sẽ không thể đến được với các cư dân của ngôi làng Swarathok.

“Chẳng ai đến đây. Tôi đã đến đồn công an để báo rằng chúng tôi đang ở địa điểm này. Và rồi, họ nói rằng vẫn chưa có kế hoạch cứu trợ và họ chưa nhận được chỉ đạo của cấp trên. Vậy nên, họ bảo chúng tôi cứ ở đây và đợi. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi” – chị Rashmita Shashtra – một nhân viên y tế trong làng chia sẻ.

Hàng cứu trợ đang đến với Nepal. Tuyến đường bộ nối Ấn Độ và Nepal đã được mở cửa trở lại, các chuyến bay chở hàng viện trợ mang theo chăn màn, thức ăn cùng các nhu yếu phẩm tới đất nước Nam Á này đang ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, nằm ở khu vực vùng núi hẻo lánh của Sindhupalchowk, ngôi làng Swarathok nhỏ bé vẫn chưa nhận được bất cứ sự trợ giúp nào của chính quyền địa phương. Tổng số người thiệt mạng trong trận động đất ở khu vực này đã lên tới 1.100 người và con số này dự kiến sẽ tăng lên. Trong khi đó, số người thiệt mạng trên cả nước do Chính phủ Nepal công bố đã lên tới hơn 5.000 người.

Hôm 28/4, Thủ tướng Nepal Sushil Koirala phát biểu: “Số người thương vong có thể lên tới 10.000 người do thông tin liên lạc ở một số khu vực hẻo lánh chịu ảnh hưởng của cơn động đất vẫn chưa được nối lại”. Con số này sẽ vượt qua kỷ lục 8.500 người thiệt mạng trong cơn động đất năm xảy ra vào năm 1934 tại quốc gia này.

“Chính phủ đang làm mọi điều có thể cho công tác tìm kiếm và cứu hộ” – Thủ tướng Koirala nói – “Hiện, đây đang là một thách thức và thời khắc khó khăn cho Nepal”.

Ở các khu vực nông thôn, nhiều người đã thoát chết vì trận động đất xảy ra vào buổi trưa – thời điểm mọi người đang trên đồng làm ruộng. Tuy giữ được tính mạng, song, hàng trăm nghìn người đang lâm vào cảnh vô gia cư. Rất nhiều trường học, cây cầu, đường sá và các cơ quan Chính phủ cũng cần sửa chữa và tu bổ. Ở thời điểm hiện tại, rất ít người ở ngôi làng Swarathok biết về tình hình đang diễn ra ở những địa phương khác bởi đường truyền viễn thông đã bị tàn phá nghiêm trọng trong cơn động đất.

“Tất cả hàng cứu trợ sẽ chỉ được phân phát ở Kathmandu. Ở đây, chúng tôi không biết một thứ gì và chắc chắn, mọi người cũng không biết về sự tồn tại của chúng tôi” – Sumon Rag Giri, một người dân địa phương bức xúc nói.

Hiện tại, người dân ở Swarathok đang phải sống tạm trong các chuồng gia súc. Một số người cố gắng tận dụng những miếng tôn lớn để làm mái nhà, giúp họ chống chọi với những cơn mưa cùng thời tiết giá lạnh ở vùng núi có độ cao hơn 1.800m so với mặt biển.

Cũng như nhiều người Nepal khác, các cư dân ở Swarathok đã mất đi mọi thứ. Trong lúc Goma Puri đang làm việc ở ngoài ruộng bậc thang, đứa con trai 3 tuổi của cô đã thiệt mạng khi đang ngủ. Tài sản quý giá nhất của gia đình cô – một vài chú bò và chú cừu – cũng bị trận động đất mạnh 7.8 độ richter cướp đi. Trong những nỗ lực đào bới đống đổ nát để tìm kiếm những thứ còn sót lại, cô Puri và chồng chỉ tìm thấy bộ phận đánh lửa của chiếc lò. Các cửa hàng tạp hóa lớn còn trụ lại sau trận động đất cũng từ chối bán chịu hoặc giúp đỡ các người dân địa phương nên giờ đây, họ phải ăn lúa mì rang để sống.

Bên cạnh đó, thiếu nước sạch cũng là một vấn đề đáng báo động tại làng Swarathok. Nguồn nước sạch gần nhất là một con sông nằm cách ngôi làng 90 phút đi bộ xuống sườn núi. Tuy nhiên, để lấy được nước, họ phải cần đến xô/chậu – thứ không ai có vào thời điểm này.

“Chúng tôi thậm chí còn chẳng đào được một cái thìa. Khi tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi đã trắng tay có nghĩa là chúng tôi đã không còn bất cứ một thứ tài sản gì ngoài những bộ quần áo còn mặc trên người” – một người dân chia sẻ.

Rất nhiều ngôi làng ở miền núi Nepal được tạo nên từ những hộ gia đình nhiều thế hệ. Họ luôn ở bên và giúp đỡ nhau trong những lúc hoạn nạn, ốm đau và đặc biệt là khi thiên tai xảy đến. “Hiện giờ, rất nhiều người đang cần giúp đỡ. Chúng tôi không thể chỉ biết nghĩ tới bản thân mình được” – cô Rashmita Shashtra – nhân viên y tế của ngôi làng nói – “Giờ đây, chúng tôi cần nhất là thức ăn và nơi trú ẩn, những thứ khác có thể đến sau. Mưa và mất an toàn vệ sinh hiện đang là những vấn đề đáng báo động. Bởi không có toilet nên mọi người phóng uế bừa bãi khiến dịch bệnh có thể lây lan”.

Một đứa trẻ ở Swarathok đang bị sốt, nhiều đứa trẻ khác đang bị các bệnh về đường hô hấp. “Bọn trẻ ho nhiều và có thân nhiệt thấp. Cả người lớn cũng đang bị đau đầu” – cô Parlwati Lama, 26 tuổi, nói.

Một thảm họa đi qua không chỉ để lại quang cảnh đổ nát mà còn để lại nỗi hoảng sợ và ám ảnh tột độ. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, ước tính 8 triệu người đang chịu ảnh hưởng của cơn động đất và 1,4 triệu người trong số đó cần được trợ giúp kịp thời. Nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực tâm chấn của trận động đất, huyện Ghorka – nơi có hàng trăm ngôi làng bị xóa sổ.

Tiếp tế hàng cứu trợ với một số lượng khổng lồ như vậy là một nhiệm vụ vượt quá khả năng của Nepal – một quốc gia nghèo đói với 28 triệu dân từng sống trong những tháng ngày đau thương vì nội chiến kéo dài. Không quá bất ngờ khi thay vì giúp đỡ người dân, nhiều cảnh sát ở khu vực Sindhupalchowk được trang bị vũ khí hạng nặng lại quan tâm hơn tới việc giữ gìn ổn định trật tự.

“Nepal sẽ mất hàng trăm năm để có khả năng xây dựng lại sau trận động đất kinh hoàng này. Chúng ta cũng không thể quên rằng quốc gia này vẫn đang trong quá trình hồi phục sau 10 năm nội chiến kéo dài cùng những bất ổn về mặt chính trị. Một quốc gia chưa đạt được tiếng nói chung về ban hành hiến pháp như Nepal sẽ không thể tự lên kế hoạch giải cứu người dân hay đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm đối phó với thảm họa thiên nhiên này” – ông Michael Kugelman – một chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson ở Washington nói.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước