Ông Shigemi Fukahori trả lời phỏng vấn tại Nhà thờ Urakami ở Nagasaki, miền nam Nhật Bản, vào ngày 29/7/2020. (Ảnh: AP)
Theo thông báo từ Nhà thờ Công giáo Urakami, nơi ông Fukahori thường xuyên cầu nguyện cho đến năm 2024, ông qua đời tại bệnh viện ở Nagasaki, Nhật Bản, ngày 3/1/2025. Truyền thông địa phương đưa tin nguyên nhân là do tuổi già. Lễ tang ông Fukahori được tổ chức vào ngày ngày 6/1/2025 tại Nhà thờ Urakami.
Nhà thờ Urakami, nằm cách tâm vụ nổ bom nguyên tử khoảng 500 mét và gần Công viên Hòa bình Nagasaki, được coi là biểu tượng của hy vọng và hòa bình. Tháp chuông và một số bức tượng của nhà thờ vẫn đứng vững sau vụ nổ bom.
Ông Fukahori, khi đó 14 tuổi, đã mất gia đình trong vụ ném bom nguyên tử do Mỹ thả xuống Nagasaki vào ngày 9/8/1945, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Sự kiện này xảy ra chỉ ba ngày sau vụ tấn công hạt nhân tại Hiroshima, nơi 140.000 người đã thiệt mạng. Nhật Bản đầu hàng không lâu sau đó kết thúc Thế chiến II.
Làm việc tại một xưởng đóng tàu cách tâm vụ nổ khoảng 3 km, ông Fukahori đã không thể nói về thảm kịch này trong nhiều năm vì ký ức đau buồn và cảm giác bất lực.
Ông Shigemi Fukahori, một người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử Nagasaki năm 1945, người đã dành cả cuộc đời để cầu nguyện cho hòa bình và linh hồn của các nạn nhân. (Ảnh: AP)
Khoảng 15 năm trước, trong một chuyến thăm Tây Ban Nha, ông gặp một người đàn ông sống sót sau vụ ném bom Guernica năm 1937 khi mới 14 tuổi. Trải nghiệm chung này đã giúp ông Fukahori vượt qua nỗi đau và bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình.
"Vào ngày bom nổ, tôi nghe thấy tiếng kêu cứu. Khi bước lại gần và đưa tay ra, da của người đó đã tan chảy. Tôi vẫn nhớ cảm giác đó đến tận bây giờ" - ông kể lại với đài NHK vào năm 2019.
Ông thường xuyên phát biểu trước học sinh, kêu gọi họ tiếp nối sứ mệnh hòa bình. Khi Giáo hoàng Francis đến thăm Nagasaki năm 2019, ông Fukahori là người trao vòng hoa trắng cho Ngài. Năm 2020, ông đại diện cho các nạn nhân bom nguyên tử tại một buổi lễ, đọc lời cam kết: "Tôi quyết tâm truyền đi thông điệp để Nagasaki trở thành nơi cuối cùng chứng kiến bom nguyên tử".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!