Nguy cơ bạo lực tiếp tục đe dọa ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ

Việt Linh (Tổng hợp từ CNN)-Chủ nhật, ngày 10/01/2021 19:28 GMT+7

Tòa nhà Quốc hội Mỹ bị người biểu tình cực đoan xâm nhập hôm 6/1 (Nguồn: CNBC)

VTV.vn - Bất chấp việc Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố ủng hộ chuyển giao quyền lực hòa bình, nguy cơ tiếp tục có bạo lực trong ngày tổng thống đắc cử nhậm chức vẫn hiện hữu...

Những dấu hiệu cảnh báo từ trước vụ bạo động 6/1

Trong vòng nhiều tuần trước ngày kiểm phiếu đại cử tri hôm 6/1 đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo rõ ràng về nguy cơ bạo lực liên quan đến những người ủng hộ Tổng thống Trump không công nhận kết quả bầu cử. Nhiều bài đăng từ các nhóm thù địch và những kẻ cực đoan trên internet mang nội dung kích động nội chiến, tấn công lực lượng thực thi pháp luật hay thậm chí đe dọa tính mạng các nhà lập pháp.

"Trump hoặc là chiến tranh. Ngay hôm nay" hay "Nếu chưa biết dùng súng, hãy học ngay lập tức" là một số khẩu hiệu như vậy. Và sau vụ bao vây và xâm nhập chưa từng có tiền lệ nhằm vào Quốc hội hôm 6/1 khiến 5 người thiệt mạng gồm cả cảnh sát lẫn người biểu tình, các chuyên gia cảnh báo rằng những lời kêu gọi bạo lực như trên sẽ còn có dấu hiệu gia tăng trước ngày nhậm chức của tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, khi ông Joe Biden chính thức tiếp nhận chiếc ghế "ông chủ Nhà Trắng" từ Tổng thống Donald Trump.

Ông Jonathan Greenblatt, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Chống phỉ báng – tổ chức chuyên theo dõi và vận động chống các phát ngôn thù địch đánh giá: "Chúng tôi nhận thấy những đối tượng cực đoan theo tư tưởng cực hữu hoặc da trắng thượng đẳng đang tỏ ra được khích lệ nhiều hơn trong thời điểm này. Tình hình bạo lực rõ ràng là có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi được kiểm soát".

Vụ hỗn loạn hôm 6/1 tại Tòa nhà Quốc hội cũng phần nào cho thấy sự mất kiểm soát và mối quan hệ đang rạn nứt trong khối liên minh giữa Tổng thống Trump, những người ủng hộ ông và các quan chức lãnh đạo Đảng Cộng hòa.

Nguy cơ bạo lực tiếp tục đe dọa ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ - Ảnh 1.

Lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump là không đủ để kết thúc vụ việc 6/1 (Nguồn: NBC)

Sau khi bạo lực xảy ra, Tổng thống Trump đã nỗ lực kêu gọi người biểu tình "trở về nhà một cách hòa bình", dù vẫn đi kèm cáo buộc bầu cử "bị đánh cắp". Nhiều lãnh đạo Đảng Cộng hòa có mặt tại Quốc hội hôm đó, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence và Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, đã lên án mạnh mẽ những kẻ bạo loạn.

Nhưng những điều này dường như không ảnh hưởng nhiều đến các đối tượng cực đoan trên internet. "Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ II vào ngày 20 tháng 1!" – Đó là lời kêu gọi từ một người bình luận trên thedonald.win, một diễn đàn trực tuyến ủng hộ ông Trump vào hôm 7/1, một ngày sau cuộc tấn công Quốc hội.

Những lo ngại về an ninh trước Lễ nhậm chức của ông Biden

Chia sẻ với hãng truyền thông CNN, ông John Scott-Railton - nhà nghiên cứu tại nhóm giám sát an ninh mạng thuộc Đại học Toronto (Canada) Citizen Lab – cho rằng: "Trong khi công chúng rất kinh ngạc với những gì đã xảy ra hôm thứ Tư tại Điện Capitol (tức Tòa nhà Quốc hội Mỹ) thì trong các nhóm thảo luận của phe cực hữu trên mạng, vẫn có ý kiến cho rằng những gì đã xảy ra có thể coi là một thành công với họ. Và do đó, những rủi ro cho ngày 20/1 tới là 'rất đáng lo ngại".

Tổ chức giám sát chính sách công Advance Democracy tại Mỹ đã chỉ ra nhiều "dấu hiệu đỏ" trên các mạng xã hội, ví dụ như: trong 6 ngày trước vụ việc 6/1 đã có 1.480 bài đăng từ các tài khoản liên quan đến nhóm thuyết âm mưu QAnon đề cập đến các kêu gọi bạo lực. Trên Parler, một mạng xã hội được nhiều người bảo thủ cánh hữu sử dụng, đã có nhiều bài đăng với các thông điệp như "Chiến tranh bắt đầu từ hôm nay". Ali Alexander, một nhà hoạt động chính trị cánh hữu, thì đưa ra tuyên bố "phe cánh tả đang cố gắng đẩy chúng ta vào xung đột".

Nguy cơ bạo lực tiếp tục đe dọa ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ - Ảnh 2.

Các lực lượng an ninh được cho là đã "thiếu sự chuẩn bị" trước nguy cơ Tòa nhà Quốc hội Mỹ bị xâm nhập (Nguồn: New York Times)

Ông này cũng cho biết đang chuẩn bị "một sự kiện lớn" cùng các nghị sĩ Đảng Cộng hòa nhằm "xây dựng động lực để thay đổi suy nghĩ của những người trong Quốc hội chưa đưa ra quyết định". Trong số các nghị sĩ được Alexander nhắc tới, Hạ nghị sĩ Andy Biggs của bang Arizona tuyên bố thông qua người phát ngôn rằng "Ông Biggs chưa từng nghe nói hay gặp ông Alexander ở bất kỳ thời điểm nào. Nghị sĩ Biggs không có bất kỳ liên hệ nào với những người biểu tình hoặc bạo loạn, cũng như không bao giờ khuyến khích hoặc thúc đẩy các cuộc biểu tình bạo động".

Bên cạnh các rủi ro như việc lực lượng an ninh thiếu chuẩn bị cho các âm mưu xâm nhập, một nguy cơ khác là việc tâm lý tiêu cực gia tăng nhằm vào lực lượng cảnh sát trong các nhóm chat cánh hữu, nhất là sau khi cảnh sát mạnh tay bắt giữ nhiều nhân vật cực đoan như thủ lĩnh nhóm Proud Boys Henry "Enrique" Tarrio hôm 6/1.

Chuyên gia luật Cassie Miller tỏ ra khá lo ngại: "Đây có thể là một tình thế khá nguy hiểm, bởi không chỉ các cuộc chạm trán bạo lực giữa người biểu tình cánh hữu với cảnh tả gia tăng mà còn tăng nguy cơ khả năng xảy ra đối đầu bạo lực giữa người biểu tình với cảnh sát".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước